Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk 'mượn' bằng tốt nghiệp THPT của chị gái

Ngày 4/10, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã trao đổi với phóng viên TTXVN về các nội dung liên quan đến việc xử lý đơn tố cáo nặc danh đối với bà Trần Thị Ái Sa - Trưởng phòng Quản trị (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông của chị gái để học tập và thăng tiến.

Chú thích ảnh
Bà Trần Thị Ngọc Thảo hiện giữ chức Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh: vtc.vn

Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải cho biết, tháng 6/2019, Tỉnh ủy Đắk Lắk và một số cơ quan chức năng tỉnh nhận được đơn tố cáo nặc danh với nội dung tố cáo bà Trần Thị Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo hiện giữ chức Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng khi thấy có dấu hiệu vi phạm, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác minh, làm rõ và kết luận nội dung trong đơn tố cáo hoàn toàn đúng sự thật.|

Theo đó, từ năm 1999 - 2002, bà Trần Thị Ngọc Thảo (sinh 1975, hiện trú tại phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) do không có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông nên đã sử dụng bằng của người chị ruột tên Trần Thị Ái Sa (hiện trú tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) để xin vào làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Trong quá trình làm việc, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng hồ sơ của chị gái Trần Thị Ái Sa để học Trung cấp kế toán (được cấp bằng tốt nghiệp năm 2000) và Đại học kế toán hệ từ xa (2005-2009). Từ đó, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng bằng cấp, hồ sơ của chị ruột là Trần Thị Ái Sa để làm việc.

Giai đoạn từ năm 2005-2009, bà Trần Thị Ngọc Thảo với cái tên Trần Thị Ái Sa đã làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến tháng 10/2009, bà Thảo làm kế toán của Phòng Quản Trị (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Năm 2013, được bổ nhiệm làm Phó Phòng Quản trị, đến năm 2016 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản trị.

Như vậy, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông của chị gái Trần Thị Ái Sa để xin việc, từ đó sử dụng hồ sơ của chị gái để học tập, làm việc và từng bước giữ các chức vụ như hiện nay. Đặc biệt, gia đình bà Trần Thị Ngọc Thảo có 12 anh chị em, nhưng lý lịch Đảng viên trong quá trình làm thủ tục kết nạp Đảng, bà Thảo (dùng hồ sơ Trần Thị Ái Sa) chỉ khai 4 anh chị em và không có ai tên Trần Thị Ngọc Thảo.

Bà Trần Thị Ngọc Thảo cũng đã thừa nhận mọi vi phạm khi sử dụng tên, hồ sơ của chị gái Trần Thị Ái Sa để làm việc cho đến nay; đồng thời chấp hành mọi hình thức xử lý, kỷ luật của tổ chức.

Theo ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk: Với quan điểm kiên quyết xử lý theo đúng quy định, không bao che, sai đến đâu xử lý đến đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk đang trong quá trình xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền theo đúng Điều lệ Đảng và quy định của pháp luật.

Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đang xem xét, xử lý theo đúng quy định đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thẩm tra lý lịch và bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Thảo.

TTXVN/Báo Tin tức
Kỷ luật bốn cán bộ xã dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả
Kỷ luật bốn cán bộ xã dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả

Sáng 4/10, ông Nguyễn Trọng Thụ, Trưởng phòng Nội vụ huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, UBND huyện vừa có quyết định xử lý kỷ luật đối với bốn cán bộ xã Cẩm Dương liên quan đến việc sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN