Cán bộ, đảng viên TP Hồ Chí Minh: Khắc phục tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh' trong chống tham nhũng

Quy định 67-QĐ/TW của Ban Bí thư (ngày 2/6/2022) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban Chỉ đạo) đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên tại TP Hồ Chí Minh với kỳ vọng về một bước đột phá mới trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm”. 

Chú thích ảnh
Chiều 4/6/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Phan Đình Trạc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 2 chia sẻ: Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là một việc quan trọng, cấp thiết. Theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và được Đảng ta xác định đây là thời kỳ chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang “tiến công”. 

Vì vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một việc làm cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn xã hội hiện nay, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai sâu rộng, đặc biệt xuống tới cấp tỉnh (thành phố), để khắc phục tình trạng trước đây “trên nóng mà dưới lạnh”. 

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên phân tích: Đọc kỹ Quy định 67-QĐ/TW về  chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy đây là một thiết chế có chức năng chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời Ban Chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, thanh kiểm tra, giám sát đối với việc thanh kiểm tra việc xử lý các vụ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. 

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định có quyền xem xét lại hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng, những kết luận đó không khách quan, chính xác và nghiêm minh, là một quyền hạn rất đặc biệt của Ban Chỉ đạo nhằm đảm bảo mọi kết luận, xử lý trong lĩnh vực tham nhũng, tiêu cực luôn khách quan, không để lọt tội phạm, oan sai. 

Điều đó cho thấy chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuy rất rộng, nhưng không chồng chéo, trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng Thanh tra, Kiểm tra, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… Vì tất cả các cơ quan nói trên đều có những quy định hoạt động rõ ràng với quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể.

Dư luận đặt ra câu hỏi là trên trực tế có thể có một Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nào đó trong quá trình hoạt động có vi phạm, đã bị phê bình, nhắc nhở (mà chưa đến mức kỷ luật) liệu có đủ uy tín, đủ "tầm" để giữ một vị trí quan trọng là Trưởng ban Chỉ đạo hay không. Qua tìm hiểu cho thấy, theo Quy định 67-QĐ/TW, Ban Chỉ đạo bao gồm rất nhiều các đồng chí trong các ban, ngành khác nhau và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương; hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nên dù vai trò của Trưởng ban Chỉ đạo là rất quan trọng, nhưng các nguyên tắc hoạt động sẽ đảm bảo Ban Chỉ đạo luôn có tính khách quan, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

“Ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu, từ quy định đi vào cuộc sống là một quá trình không dễ dàng gì và cần thời gian, nhưng với quyết tâm của Đảng ta hiện nay trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta tin tưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” – Tiến sĩ Vũ Trung Kiên nhấn mạnh.

Là một người quan tâm, thường xuyên theo dõi tình hình chính trị của đất nước, Thượng tá Lã Hữu Vĩnh, một cựu chiến binh 50 năm tuổi Đảng tại phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự đồng tình với dư luận cho rằng việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một việc làm đúng đắn của Đảng ta, phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội, mang lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tính tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. 

Theo ông Lã Hữu Vĩnh, tại Việt Nam cũng như các nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm và vấn đề tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ ở Trung ương mà còn xảy ra ở cấp địa phương. Vì vậy, sự ra đời của Ban Chỉ đạo sẽ góp phần giúp Trung ương giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, tồn đọng, tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, tại cơ sở và thể hiện tính thống nhất, chặt chẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ cấp Trung ương đến địa phương.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh, thành phố với thành phần đông đảo từ các ban, ngành của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cho thấy thêm quyết tâm của Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vốn được xác định như “giặc nội xâm”; thể hiện tinh thần vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cơ quan, đoàn thể, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thượng tá Lã Hữu Vĩnh nhấn mạnh, kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi có Ban Chỉ đạo Trung ương cho thấy việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố là rất cần thiết, tạo giải pháp triệt để hơn trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, từ cấp cơ sở để giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại, hậu quả do tham nhũng, tiêu cực gây ra. 

Việc quy định Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo vừa tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo, lãnh đạo, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm, tính ưu tiên cấp bách của các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, người đứng đầu địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Lã Hữu Vĩnh cho rằng: Với Quy định 67-QĐ/TW, chắc chắn trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các tỉnh, thành phố, các địa phương sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Xuân Khu (TTXVN)
Cán bộ, đảng viên Hà Nội: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố cần có cơ cấu tổ chức hợp lý
Cán bộ, đảng viên Hà Nội: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố cần có cơ cấu tổ chức hợp lý

Ngày 2/6/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN