Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ), đây là việc làm cần thiết và được các tỉnh, thành phố ủng hộ. Để Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó, cần rút kinh nghiệm so với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2007 để có cơ cấu tổ chức hợp lý.
Theo đó, cần nghiên cứu thực tiễn để có cơ cấu tổ chức, cơ quan tham mưu, mối quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực, trách nhiệm công vụ… hợp lý, phát huy hiệu quả ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, từ người đứng đầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến cơ cấu, thành phần phải khác so với trước đây và cần có bộ máy tham mưu giúp việc có chuyên môn sâu về điều tra, truy tố, xét xử để phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau khi được thành lập phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ban Chỉ đạo trung ương. Bởi việc này sẽ phát huy được sự thông suốt, tránh bị chi phối, chỉ đạo bởi người này, người kia và "trên nóng dưới lạnh" sẽ dần được khắc phục.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Tâm Hiếu, đảng viên 50 năm tuổi đảng ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, địa phương cũng nên thực hiện mô hình của Trung ương. Trong đó, Trưởng ban là Bí thư tỉnh, thành ủy, thành viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất thiết cần có sự tham gia của cơ quan dân cử, Mặt trận để tăng cường giám sát.
Thời gian qua, một số cán bộ là Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy vi phạm nghiêm trọng bị xử lý chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", chứ không phải tất cả. "Việc xử lý nghiêm minh các Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch tỉnh, thành phố thời gian qua chính là sự cảnh tỉnh, đòi hỏi các cán bộ khi được giao trọng trách là người đứng đầu, lãnh đạo địa phương, nhất là sau này nếu đứng đầu Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, phải thực sự gương mẫu, trách nhiệm"- bà Phạm Tâm Hiếu cho biết.
Bà Nguyễn Hà Thanh (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), thành phố Hà Nội chia sẻ: Là một đảng viên, bà luôn theo dõi và ủng hộ công tác phòng, chống tham nhũng, vốn là một cuộc chiến khốc liệt và cam go do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp lãnh đạo.
Thực tế thời gian qua, nhiều vụ vi phạm pháp luật, tham nhũng lớn liên quan đến nhiều người “quyền cao, chức trọng” đã được đưa ra xét xử, thu hồi khối lượng lớn tài sản tham nhũng về cho ngân sách Nhà nước đã khẳng định sự thành công của công cuộc “đốt lò”, không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng của nước ta.
Bà Nguyễn Hà Thanh cũng cho rằng, qua các vụ việc đó, người dân cũng thấy tình trạng tham nhũng “vươn vòi bạch tuộc” ở mọi nơi. Gần đây nhất, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, trong vụ việc ở Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt khai tiền bôi trơn lên tới 800 tỉ đồng. Điều này vượt quá sự tưởng tượng của cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước như bà.
Theo Quy định số 67-QĐ/TW, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh hoạt động theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Trong đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh dù do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, nhưng đồng thời cũng chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trên địa bàn sẽ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tạo bước tiến mới cho công cuộc này.
Việc lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, giao cho Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban sẽ nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Việc Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh bị ràng buộc trách nhiệm ngang, dọc, đồng thời với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương không chỉ chống tham nhũng ở các cơ quan chống tham nhũng, chống tiêu cực, mà còn dần hình thành cơ chế giám sát chéo cấp ủy, ban thường vụ địa phương, nhất là người đứng đầu về trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với quy định, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương, bà Nguyễn Hà Thanh hy vọng các vụ việc tham nhũng, tiêu cực sớm được giải quyết, tránh bị tồn đọng.
Với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực y tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… thời gian qua, cán bộ, đảng viên và người dân thành phố Hà Nội hy vọng với Quy định số 67-QĐ/TW sẽ có thêm nhiều vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không có “vùng cấm” nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quốc hội.