Dự buổi tọa đàm có lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, ngành chức năng Đồng Nai cần quan tâm, xây dựng thành phố Biên Hòa xanh hơn, giảm khí thải carbon, tăng cường bảo vệ môi trường, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể cũng như mọi người dân trong giữ gìn cảnh quan đô thị.
Theo Tiến sĩ Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị khu vực II), thành phố Biên Hòa có trên 1,2 triệu người, số dân này cao hơn dân số của nhiều tỉnh trong cả nước. Biên Hòa là đô thị loại 1, trung tâm công nghiệp, văn hóa, khoa học công nghệ không chỉ của Đồng Nai mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ. Để xây dựng văn minh đô thị, các cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên ở Biên Hòa cần gương mẫu, đi đầu trong bài trừ mê tín dị đoan.
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên đề nghị, cơ quan Nhà nước cần thực hiện triệt để việc không cúng bái linh đình khi động thổ, xây cất, không đặt bát hương tại công sở. Cán bộ, đảng viên tại Biên Hòa thường xuyên đưa các nội dung về chống mê tín dị đoan vào sinh hoạt chi bộ. Mỗi chi bộ đăng ký cụ thể về việc không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan. Đưa nội dung này thành một trong những tiêu chí thi đua, khen thưởng và đánh giá tổ chức Đảng.
Mỗi đảng viên phải ký cam kết tuyệt đối không tổ chức tang lễ linh đình, không rải vàng mã trên đường đưa tang, không hát múa trong đám tang. Cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về bài trừ các hủ tục trong việc cưới, tang, lễ hội, lên án mạnh mẽ những biểu hiện mê tín dị đoan trong đời sống để định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội theo hướng văn minh, tiến bộ.
Theo Thạc sĩ Phan Đình Dũng (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh), giá trị di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển, xây dựng thành phố Biên Hòa văn minh, bền vững. Biên Hòa có lịch sử hàng trăm năm, là một đô thị ven sông với nhiều công trình văn hóa, trường học, làng nghề, di tích lịch sử, tộc người đa dạng. Đây là những thế mạnh cần được bảo tồn, phát huy hài hòa để đảm bảo yêu cầu của sự phát triển bền vững, không chỉ cho hiện tại mà còn những thế hệ tương lai.
Thạc sĩ Phan Đình Dũng cho rằng, trong quy hoạch, định hướng phát triển chính quyền Đồng Nai và thành phố Biên Hòa cần quan tâm tạo lập không gian đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng. Tập trung xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo dựa trên bản sắc địa phương để thu hút khách tham quan.
“Hiện Đồng Nai đang thực hiện đề án khai thác tuyến du lịch sông Đồng Nai. Đây là một đề án tốt, bởi hai bên bờ sông Đồng Nai có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang tính độc đáo, riêng có ở Biên Hòa. Điển hình là các chùa, đình, nhà thờ, nhà cổ làng nghề. Ngành chức năng cần nghiên cứu, định hướng, triển khai đề án với những điểm nhấn cụ thể, không ôm đồm. Những loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Đờn ca tài tử, trình diễn dân ca, dân vũ các dân tộc, biểu diễn cồng chiêng dân tộc Mạ, Chơ-ro, Stiêng có thể khai thác định kỳ ở đô thị Biên Hòa”, Thạc sĩ Phan Đình Dũng chia sẻ.
Theo ban tổ chức, các ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm có tính thực tiễn cao, nhiều ý kiến có tính gợi mở, giúp ngành chức năng Đồng Nai đưa ra định hướng phát triển, khai thác tiềm năng du lịch, xây dựng thành phố Biên Hòa thành đô thị văn minh, bền vững.