Cảm xúc Trường Sa

Từng nhiều lần được nghe kể về Trường Sa, về những cuộc chiến ác liệt trên các đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca; câu chuyện về sự kiện ngày 14/4/1988 trên đảo Gạc Ma, về hành động anh dũng của các chiến sĩ Nhà giàn DK1 những năm 90 ... Tất cả đều lắng đọng trong tôi một ấn tượng khó phai và những mong có một ngày được đặt chân lên đảo Trường Sa.

Chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông bảo dưỡng hệ thống pin mặt trời trên đảo. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN.


Bảy ngày đêm lênh đênh trên biển, vượt qua nhiều sóng gió, con tàu HQ 996 mang theo nhiều sự hồi hộp, mong chờ cũng tới được vùng biển nơi có cụm đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao.

Nhìn từ xa, đảo chìm Cô Lin trông như một con tàu đang kiêu hãnh, vững vàng lướt trên vô vàn những con sóng; lại gần, đảo như một ngôi nhà thân quen bên mép nước cùng những người lính hiền hòa, tươi cười chào đón khách. Đảo chìm này, năm xưa đã chứng kiến cảnh con tàu HQ 505 cùng toàn bộ đoàn thủy thủ anh dũng lao thẳng lên đảo trong mưa đạn quân thù, dựng lá cờ Tổ quốc, xác định chủ quyền của đất nước.

Cách Cô Lin không xa, đảo Gạc Ma ẩn hiện trong màu xanh của biển, trong cái nắng biển, gió biển mặn mòi như một lời nhắc nhở chúng ta nhớ tới hành động anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ công binh 25 năm về trước trên hòn đảo này.

Biển trời hôm nay như cao hơn, xanh hơn, Những con sóng sô mạn tàu cũng bớt dữ dội hơn, những hành khách trên tàu HQ 996 nhìn Cô Lin, Gạc Ma cũng đẹp hơn. Như đã thành thông lệ, đi qua vùng biển này, tất cả các con tàu của Hài quân Việt Nam đều dừng lại làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Hơn 100 người có mặt trên tàu, lần đầu tiên đến Trường Sa và cũng là lần đầu tiên được dự buổi lễ trang nghiêm, long trọng này ai cũng cảm xúc dâng trào, mỗi người một tâm trạng, mắt nhìn sâu vào lòng biển như tìm kiếm bóng hình những người con anh dũng của đất nước đã hy sinh vìchủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hình ảnh 8 cán bộ chiến sĩ Nhà dàn DK1/3 ra sức chống chọi với cơn bão điên cuồng ngay 4/12/1990, có 3 người đã hy sinh.

Câu chuyện về Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị Nhà giàn DK1 lãnh đạo, động viên đồng đội bám sát, hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ, khi cái chết cận kề đã nhường chiếc phao cá nhân và phần lương khô cuối cùng cho chiến sĩ yếu nhất rồi thanh thản về với biển.

Chuyện Thượng úy Phạm Tào, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền ...dũng cảm hy sinh thân mình để tìm kiếm, cứu vớt đồng đội. Tất cả con người và việc làm cao đẹp của các anh như đang hiện hữu trước mỗi chúng tôi - những người con đất Việt từ đất liền ra đảo hôm nay.


Mặt biển lặng sóng, gió như ngừng thổi, trên boong tàu, trong khói hương thoang thoảng, một ban thờ thật đơn giản với một vòng hoa được những người lính cẩn thận xếp đặt. Tất cả các hành khách và thành viên đoàn tàu quân, trang chỉnh tề kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những người đã khuất. Sóng biển nghe rõ lời Đại tá Nguyễn Viết Nhất, Trưởng đoàn Cục chính trị Hải Quân "Các anh ra đi khi tóc vẫn còn xanh, để lại nỗi đau cho những mẹ già, người vợ trẻ và con nhỏ côi cút, bơ vơ. Các anh hòa vào biển, biển trời bao la sẽ mãi ôm các anh vào lòng, nâng giấc ngủ ngàn thu cho các anh….”

Nắng gắt trên đầu, gió lồng lộng thổi, con tàu hú vang hồi còi tàu tưởng nhớ vong linh những người con trí dũng, kiên cường của Tổ quốc. Từng người, từng người một trên tàu nối thành vòng kính cẩn dâng hương, hoa lên bàn thờ các anh; thắp nén tâm nhang, chứng kiến vòng hoa được thả xuống biển đang dần mất dạng phía chân trời./.



Mỹ Bình
Trung Quốc không có chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa
Trung Quốc không có chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa

Việt Nam có những văn bản pháp lý khẳng định các Nhà nước Việt Nam đã xác lập thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ít nhất từ thế kỷ thứ 17.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN