1. Trong bối cảnh giá cả, đặc biệt là giá xăng dầu tăng, ngư dân ở cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, Nghệ An đã có sáng kiến thành lập “Tổ thuyền liên kết khai thác hải sản” để giảm chi phí sản xuất. Khi xuất phát chỉ cần một thuyền nổ máy sẽ kéo theo hai đến ba thuyền, ra đến ngư trường các thuyền tỏa đi khai thác. Khi đánh bắt, các thuyền liên lạc với nhau để những thuyền sản lượng khai thác ít gom sản phẩm lại và gửi một thuyền đầy chở vào bờ bán, số còn lại tiếp tục ở lại trên biển để khai thác và bảo vệ rạo. Với cách thức này, các thuyền vừa giảm được 1/4 thời gian, chi phí xăng dầu mà vẫn giữ được ngư trường đánh bắt. Đồng thời luôn hỗ trợ được cho nhau khi xảy ra sự cố.
Không phải là nhất cử lưỡng tiện mà là… tam tứ tiện.
Quả là cái khó ló cái khôn!
2. Không phải chỉ có bà con ngư dân Cửa Lò, nhiều ngư dân trong tỉnh Nghệ An và các tỉnh khác trong cả nước cũng đã có sáng kiến tương tự; có nơi bà con còn tổ chức hẳn một tàu hậu cần để cung ứng xăng dầu, thực phẩm… và gom cá từ các tàu chở về đất liền. Vì vậy, bà con vẫn có thể phát triển sản xuất và bảo đảm đời sống khi giá xăng dầu tăng.
3. Trong bối cảnh giá xăng dầu và nhiều mặt hàng cốt yếu của nền kinh tế trên thế giới tăng, chúng ta không thể không tăng giá mặc dù biết điều đó ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Trong tình thế đó, lối thoát khôn ngoan nhất là từ Nhà nước đến doanh nghiệp và từng người dân phải biết thích ứng với hoàn cảnh; và giải pháp tích cực nhất là TIẾT KIỆM!
4. Tiết kiệm, biện pháp trực tiếp là cắt giảm các khoản chi tiêu; nhưng có một cách tiết kiệm tích cực hơn, đó là… giảm sự lãng phí. Có nghĩa là, không cắt bỏ hoàn toàn khoản chi, hoạt động đó mà tìm cách hợp lý hóa tối đa để giảm những chi phí bất hợp lý mà việc bà con ngư dân cùng nhau lập ra “Tổ thuyền liên kết khai thác hải sản” nói trên là một ví dụ.
Trong sản xuất và đời sống, còn có rất nhiều chi phí không hợp lý, hiệu quả thấp, hay nói thẳng ra là LÃNG PHÍ, mà nếu chúng ta biết cách tổ chức khoa học sẽ tiết kiệm được những khoản chi không hề nhỏ. Đơn cử: Ai cũng chứng kiến có đến 60 – 80% xe máy chạy trên đường chỉ chở 1 người trong khi mỗi xe máy đều có thể chở 2 người. Tương tự, có một lượng không nhỏ xe tải chỉ chở một chiều hàng hóa…
Như vậy, nếu có thể liên kết được các xe đó để giải bài toán vận trù một cách khôn ngoan thì từng con người, từng doanh nghiệp và cả xã hội sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.
5. Đó mới chỉ là một vài ví dụ nhỏ. Và vẫn biết, từ chỗ phát hiện ra sự lãng phí đến chỗ thực hành tiết kiệm được còn là cả một khoảng cách và vấn đề lớn. Nhưng, nói như thế để thấy rằng, trong đời sống và sản xuất của chúng ta còn có rất rất nhiều điều có thể tiết kiệm được, miễn là chúng ta biết động não và liên kết để tối ưu hóa các hoạt động.
Câu thành ngữ mới: “CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN” không phải là hô khẩu hiệu mà hoàn toàn xuất phát từ thực tế và đã được thực tế chứng minh.
Tuệ Duyên