Các tỉnh ven biển phía Nam chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm.

Các tỉnh ven biển cần theo dõi diễn biến thời tiết nguy hiểm, giữ liên lạc với các chủ tàu thuyền. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ngày 26/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có văn bản số 464 nêu rõ: Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, ngày 26/10 trên khu vực Nam Biển Đông đã hình thành dải hội tụ nhiệt đới và đang gây thời tiết nguy hiểm (mưa dông, gió giật mạnh) cho các vùng biển phía Nam. Trong những ngày tới, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm điều kiện nguy hiểm khác làm cho dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh hơn. Do đó không loại trừ khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới và có thể mạnh lên thành bão trên dải hội tụ nhiệt đới hoạt động ở vĩ độ thấp...

Khu vực Nam Bộ với đặc thù địa hình bằng phẳng, cơ sở hạ tầng còn yếu và nhất là ít khi có bão, áp thấp nhiệt đới tác động nên thường gây thiệt hại rất lớn. Đặc biệt là khi kết hợp với nước dâng do bão, triều cường và các hiện tượng như tố, lốc, gió xoáy cục bộ, thậm chí cả vòi rồng hay đi kèm với bão ở khu vực vĩ độ thấp. Khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động trên biển và vùng ven bờ khu vực Nam Bộ (cả vùng biển phía Đông và phía Tây) và Vịnh Thái Lan. Kinh nghiệm cho thấy, thời gian từ khi hình thành cho đến khi phát triển thành bão ở khu vực biển phía Nam khá ngắn, đôi khi chỉ chừng khoảng 1-2 ngày.        

Để chủ động đối phó với  thời tiết nguy hiểm, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của thời tiết nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh. Đồng thời các đơn vị chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nguy hiểm trên các phương tiện thông tin; giữ liên lạc với các chủ phương tiện, thông báo cho người dân, đặc biệt là khu dân cư tập trung tại các khu vực cửa sông, cửa biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; rà soát phương án, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết nguy hiểm có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới, bão.    


Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết nguy hiểm có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới và bão. Trong đó, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài Thông tin duyên Hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của thời tiết nguy hiểm đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển biết để chủ động phòng, tránh, ứng phó; đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Thắng Trung (TTXVN)
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất từ Phú Yên đến Bình Thuận
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất từ Phú Yên đến Bình Thuận

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong 12 giờ qua từ Phú Yên đến Bình Thuận đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 50 -100mm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN