Chiều 30/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Qua theo dõi phiên làm việc, đông đảo cử tri Hưng Yên cho rằng, phiên thảo luận diễn ra chiều 30/10 đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri, đại biểu Quốc hội; đồng thời khẳng định các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân Hưng Yên nói riêng, cả nước nói chung. Hưng Yên là tỉnh thứ ba của cả nước về đích Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả này là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của nhân dân trong tỉnh.
Sau khi về đích xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, tỉnh có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 106 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn được nâng cao, từ mức 29 triệu đồng/người/năm năm 2011 đến nay đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm.
Ông Lê Trung Cần cho rằng, xác định xây dựng nông thôn mới "chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", Hưng Yên đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động rà soát văn bản, hướng dẫn thực hiện, đánh giá nội dung tiêu chí đảm đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thuộc lĩnh vực phân công, phụ trách.
Hưng Yên yêu các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, ưu tiên công trình dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân; thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp để mỗi làng, xã đều là một miền quê đáng sống...
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên Đặng Văn Diên cho biết, các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 được tỉnh triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa địa bàn tỉnh giảm nhanh từ 2,55% năm 2021 xuống còn 1,93% vào cuối năm 2022 (giảm 0,62%). Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,56% năm 2021 xuống còn 2,01% vào cuối năm 2022. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Đặng Văn Diên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, một số hộ thoát nghèo, cận nghèo lại tái nghèo, tái cận nghèo; vẫn phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo mới. Tỷ lệ hộ nghèo còn có sự chênh lệch lớn giữa một số địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về việc làm, trình độ giáo dục của người lớn có xu hướng gia tăng. Nhóm hộ dân khó thoát nghèo hoặc thoát nghèo thiếu bền vững còn chiếm tỷ lệ cao trong số hộ nghèo…
Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững
Ngày 21/8/2023, Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm về mức khoảng 0,5 % theo chuẩn nghèo đa chiều.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo lồng ghép trong các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo bền vững.
Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trong ngành, lĩnh vực, địa phương; huy động nguồn lực trong xã hội thực hiện công tác giảm nghèo; đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, phong trào hỗ trợ hộ nghèo của các hội, đoàn thể, tổ chức, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Hưng Yên ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội và thu hút dự án đầu tư vào những nơi tập trung nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện tốt công tác phối hợp, lồng ghép, phân bổ, sử dụng nguồn lực trong tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch… giảm nghèo, đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, khuyến khích tổ chức kinh tế, doanh nghiệp quan tâm đầu tư, hỗ trợ địa phương còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập tại chỗ cho người dân…
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; gắn phát triển nông thôn với đô thị; giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.
Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 195 khu dân cư kiểu mẫu, có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt tối thiểu 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 0,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025).