Trưa 14/10, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục phó Chi Cục kiểm lâm Hà Nội khẳng định, rất khó kiểm soát số hộ nuôi động vật hoang dã nếu người dân không tự giác khai báo. Hiện cá sấu bắt ở mương nước phường Lĩnh Nam đã được đưa về vườn thú.
- Thưa ông, hiện việc quản lý các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn được thực hiện thế nào?
- Tại các quận, huyện của thành phố hiện có khoảng 300 cơ sở nuôi động vật hoang dã, trong đó có gần 90 trại nuôi gấu tập trung ở huyện Đan Phượng, 21 cơ sở nuôi cá sấu. Đây là những trang trại đủ điều kiện về nuôi nhốt theo quy định của nhà nước, bao gồm các vấn đề về chuồng trại, cam kết thực hiện đầy đủ quy định để không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống gần nơi nuôi nhốt, và cả vấn đề sức khỏe của cá thể được nuôi cũng phải đảm bảo.
Chúng tôi giao cho Hạt kiểm lâm các quận, huyện kiểm tra thường xuyên và có cả sổ theo dõi. Tất cả khâu như: vật nuôi bị chết, đẻ, ốm, hay được bán... các trang trại phải báo cho kiểm lâm biết, đến xác nhận. Chúng tôi còn phối hợp với Viện sinh thái cùng tham gia thẩm định.
|
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm Hà Nội. Ảnh: Hoàng Việt. |
- Điều kiện nào để các chủ trang trại, hộ gia đình được phép nuôi nhốt động vật hoang dã, cụ thể đối với cá sấu?
- Trước tiên, các tổ chức, cá nhân muốn được nuôi động vật hoang dã phải có đơn gửi tới Hạt kiểm lâm các quận, huyện. Đơn này sau đó được chuyển lên Chi Cục kiểm lâm thành phố. Trong đơn phải trình bày chi tiết về chuồng trại, phương án, quy trình kỹ thuật gây nuôi, chứng minh nguồn gốc loại động vật đó phải hợp pháp, nuôi với mục đích gì, vốn đầu tư, quy trình kỹ thuật gây nuôi.
Cá sấu thuộc nhóm 2B, động vật quý hiếm hạn chế khai thác, sử dụng nên cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định trên. Chuồng nuôi phải chắc chắn, tường xây cao, xung quanh làm hàng rào sắt bảo vệ, tiện cho người chăm sóc và người dân xung quanh...
- Việc chủ hồ câu ở phường Lĩnh Nam nuôi đàn cá sấu và bị xổng chuồng một số con, Chi cục đã xử lý thế nào?
- Ngay sau khi nhận được thông tin khách câu bắt được con cá sấu dưới mương nước ở phường Lĩnh Nam, chúng tôi đã cử cán bộ tới nhà anh này, động viên, thuyết phục giao nộp con vật cho Vườn thú Hà Nội.
Riêng với chủ hồ câu Viễn Thổ, trong sáng 14/10, cán bộ Chi Cục và Hạt kiểm lâm số 2 đã xuống hiện trường. Ông này vi phạm nuôi cá sấu không đăng ký trại nuôi. Chúng tôi sẽ xác minh nguồn gốc của đàn cá sấu để có phương hướng xử lý. Nếu đúng như đàn cá sấu này được mua từ một trang trại ở Hưng Yên, theo quy định pháp luật, chủ hồ câu chỉ bị phạt hành chính. Trường hợp không chứng minh được xuất xứ, chúng tôi sẽ thu giữ đàn cá sấu.
Trong buổi làm việc, phía chủ trại bước đầu cho biết nuôi 30 con cá sấu nhưng bị chết 7 và mất một con. Con bắt được ở mương nước đã được thu hồi.
|
Cá sấu được nuôi ở hồ câu nhà ông Dương Văn Viễn ở phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Việt. |
- Ông chủ hồ câu Viễn Thổ nuôi nhốt đàn cá sấu đến hơn một năm, nhưng tại sao đến giờ khi cá sẩu xổng chuồng Chi cục mới biết?
- Chúng tôi đã có văn bản xuống các hạt yêu cầu tuyên truyền đến người dân về quy định nuôi nhốt động vật hoang dã; chỉ đạo các hạt quản lý theo dõi sát sao cơ sở nuôi nhốt. Việc kiểm tra những trại nuôi này được thực hiện thường xuyên. Với chủ hồ câu Viễn Thổ, do ông ấy không tự giác đến khai báo nên khó biết rõ người ta có nuôi hay không.
Trước đó chiều 11/10, trong lúc đi câu ở phố Đại Đồng, phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), anh Phạm Quốc Cường bắt được con cá sấu dài một mét, nặng 12 kg đang nấp dưới đám bèo tây rậm rạp. Hiện anh nuôi nhốt cá sấu trong lồng sắt nhà mình, dự định sẽ thịt và chia cho bạn bè.
Ngày 13/10, ông Dương Văn Viễn, chủ hồ câu Viễn Thổ ở phường Lĩnh Nam cho rằng, cá sấu người dân bắt được ở mương tưới tiêu bị xổng từ chuồng nuôi nhà mình. Vì 5-6 hồ câu xung quanh không ai nuôi loài này, trừ gia đình ông. Theo ông Viễn, từ hơn một năm nay, ông mua 30 cá sấu, hiện chỉ còn lại 22 con, 8 con bị mất trong khoảng 10 ngày nay. Người dân xung quanh bắt được 5 con và đã làm thịt. Nếu tính cả con bắt ở mương hôm 11/10 là 6. |
Theo vnexpress