Không lùi thời điểm có hiệu lực
Đã có rất nhiều băn khoăn về thời điểm 1/7/2021 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị và chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới khi Quốc hội thảo luận về hiệu lực thi hành của quy định này trong Luật Cư trú (sửa đổi).
Nhiều ý kiến lo lắng về tiến độ hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và Căn cước công dân, nghi ngại gây khó khăn, phiền hà cho người dân nếu phát sinh thêm thủ tục khi bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị có thời gian chuyển tiếp phù hợp, hiệu lực thi hành của quy định từ 1/1/2023.
Làm rõ nội dung này trước nghị trường, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định quyết tâm của ngành Công an trong việc triển khai hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân đảm bảo tiến độ, là cơ sở để triển khai quy định về quản lý cư trú theo Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2021).
“Bỏ sổ hộ khẩu là điều mong ước của người dân. Khi bỏ sổ, thay đổi bằng những phương thức quản lý mang lại sự phấn khởi cho người dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh tại nghị trường.
Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ. Thời gian để hoàn thành cấp Căn cước công dân, không cần phải kéo dài, không phải gia hạn, mà đã có những lộ trình, bước đi để thực hiện xong trước ngày 1/7/2021, kể cả dữ liệu quốc gia dân cư và cả vấn đề về quản lý cư trú.
Đúng như tinh thần quyết tâm của Bộ Công an, sự nỗ lực của Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia và Căn cước công dân đã chính thức bấm nút vận hành vào ngày 22/6/2021. Từ đó, đảm bảo việc thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú theo quy định của Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2021.
Gạt bỏ những trở lực
Thủ tục hành chính tại nước ta với điểm chung là hầu hết đều được thực hiện thủ công và đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ. Theo thống kê, có khoảng hơn 20 giấy tờ tùy thân mà công dân cần phải tự quản lý từ khi sinh ra đến khi mất đi như: chứng minh thư, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế... Mỗi loại giấy tờ này lại có mã số định danh riêng và quản lý trên các hệ thống khác nhau của các bộ, ngành, đơn vị.
Với quy mô dân số 100 triệu người, vấn đề này đã tạo ra gánh nặng hành chính lên tới hàng ngàn tỷ đồng/năm cho các cá nhân, tổ chức. Đây là một lãng phí lớn, là một trong những trở lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân được đưa vào khai thác đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đất nước, giúp giảm chi phí giấy tờ, giảm thời gian xác minh và đi lại cho công dân; giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ. Không chỉ một hay một vài hoạt động hành chính được hưởng lợi mà rất nhiều lĩnh vực đều có thể khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu này để đạt được lợi ích từ công cuộc số hóa hiện nay.
Theo tính sơ bộ toàn nền kinh tế, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi đi vào hoạt động giúp giảm chi phí về thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai gần 370 tỷ đồng; không phải xuất trình đơn, tờ khai tiết kiệm hơn 4200 tỷ/năm; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân tiết kiệm khoảng 246 tỷ đồng. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế để kết nối, cho phép các hệ thống thông tin khác khai thác sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí không chỉ đối với người dân mà cả đối với cán bộ hành chính của các ngành, các lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất từ Trung ương đến địa phương còn cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Quản lý từ thủ công sang hiện đại
Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư đi vào vận hành, công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước gắn chíp điện tử để thực hiện hơn 30 thủ tục hành chính như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, xin học cho con, đăng ký thường trú, tạm trú… và rất nhiều giao dịch dân sự khác. Việc khai thác, tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng thay thế việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như hiện nay.
Bên cạnh đó, hàng loạt thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: tách sổ hộ khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú… sẽ được bãi bỏ hoặc thay đổi bằng hình thức quản lý mới: thông qua mã số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Đi làm thủ tục tách hộ khẩu cho con trai, ông Tôn Thất Dũng (64 tuổi, trú phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phấn khởi cho biết: Dữ liệu của gia đình ông đã có sẵn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên thủ tục rất nhanh gọn. Chỉ trong thời gian ngắn, mọi thủ tục tách hộ khẩu cho con trai ông đã được hoàn thành.
Mới thực hiện một số thủ tục hành chính, bà Vũ Thanh Ngân (phường Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Nội) rất vui vì tất cả mọi thủ tục đều rất nhanh gọn, không như trước đây phải mang theo nhiều giấy tờ hộ khẩu, chứng minh thư...
Cũng từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực với rất nhiều điểm mới về việc đăng ký thường trú, tạm trú và phương thức quản lý cư trú. Với những quy định cởi mở hơn của luật, có rất nhiều thuận tiện cho người dân trong sinh sống, làm việc, học tập.
Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà (Phó Trưởng Công an quận Long Biên, Hà Nội), nếu như trước đây giải quyết khoảng 15 ngày với đăng ký thường trú, như nay chỉ mất 7 ngày. Có những thủ tục chỉ mất 3-5 phút, thực hiện rất nhanh. Ngoài việc giúp cắt giảm các thủ tục giấy tờ, hiện nay Bộ Công an đang triển khai kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như tư pháp, bảo hiểm... và triển khai các ứng dụng, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Luật Cư trú mới, công dân nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương cũng giống như nhập khẩu vào các tỉnh khác, không có sự phân biệt và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Trước đây, khi áp dụng theo Luật Cư trú năm 2013, một trong những điều kiện để công dân nhập hộ khẩu về thành phố trực thuộc Trung ương là có thời gian tạm trú nhất định tại thành phố đó. Trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên. Riêng nội thành Hà Nội, đa số trường hợp nhập hộ khẩu cần đáp ứng điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên. Tuy nhiên, Luật Cư trú 2020 đã bãi bỏ các điều kiện này. Cụ thể, điều kiện đăng ký thường trú quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020 không còn nhắc đến yêu cầu về thời gian tạm trú khi nhập khẩu. Đồng thời, Luật bãi bỏ các điều khoản quy định điều kiện nhập hộ khẩu riêng của Thủ đô Hà Nội tại Luật Thủ đô.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thiếu tá Bùi Ngọc Diệp (Phó Trưởng Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Nếu nhập vào thành phố lớn, người đăng ký thường trú phải có hợp đồng lao động, xác định hạn đăng ký hoặc đăng ký tạm trú 3 năm liên tục và được cấp sổ tạm trú mới được nhập khẩu vào Hà Nội. Tuy nhiên, bây giờ theo luật mới, tất cả những thủ tục đó không còn. Khi người dân đến làm thủ tục đăng ký thường trú, chỉ cần chứng minh chỗ ở hợp pháp”.
Quê ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, chị Thân Thị Hòa sau một thời gian làm lụng, tích góp đã mua được một căn nhà ở phường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội). Sau khi biết tin Luật Cư trú mới được áp dụng có nhiều thuận lợi cho người dân ngoài tỉnh nhập khẩu vào Hà Nội, chị Hòa đến UBND phường Liễu Giai đăng ký thủ tục nhập khẩu.
"Tôi biết trước đây nếu muốn được nhập khẩu vào Hà Nội, những công dân ngoại tỉnh như tôi cần rất nhiều loại giấy tờ, như một hợp đồng lao động vô thời hạn, giấy giới thiệu, đơn đề nghị của công ty nơi công tác..." - chị Hòa chia sẻ. Từ khi bỏ những thủ tục rườm rà trên, việc nhập khẩu của chị trở nên gọn gàng, tiện lợi. Chị chỉ cần khai đủ thông tin vào tờ khai mà cơ quan Công an cung cấp, trình giấy chuyển khẩu từ nơi cư trú cũ tới nơi mới và nộp lại sổ hộ khẩu cũ là hoàn thành thủ tục.
Với nhiều người ngoại tỉnh như trường hợp chị Hòa, việc đơn giản hóa điều kiện nhập hộ khẩu đến các thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/7/2021 là một bước chuyển biến lịch sử./.