1. Dòng thời gian cứ trôi mãi, vô tình. Song có lúc thời gian mang dấu ấn kỷ niệm khó quên, như có linh hồn vì gắn với mốc lịch sử của dân tộc. 30/4/1975! Ngày kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vì mức độ ác liệt, quy mô rộng lớn, thời gian lâu dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng. Cả dân tộc ta, dù ở trong nước hay định cư ở nước ngoài, kể cả những thanh niên được sinh ra sau ngày giải phóng vẫn vô cùng tự hào về ngày vẻ vang này - ngày mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước phát triển, ngang hàng với thế giới và đang từng bước đi lên không ngừng.
Dù đã 45 năm qua, đối với những người trực tiếp chiến đấu ở miền Nam vẫn ngỡ như mới xảy ra gần đây, vì đêm ngủ, tai còn nghe rõ tiếng xích sắt xe tăng, tiếng gầm rú của bom pháo địch, còn quặn lòng khi có đồng đội ngã xuống, vị mặn của dòng máu tươi tưới đầy trên mặt, trên môi; trăn trở mãi vì những liệt sĩ đến nay chưa tìm được hài cốt!… và nghĩ miên man đến chuyến công tác lịch sử hồi đó.
2. Tổ phóng viên Tin, Ảnh và kỹ thuật điện đài - thế mạnh của TTXVN lúc bấy giờ - (Bền, Thiêm, Mến, Tiệp, Chức) được vinh dự xuất phát đầu tiên, từ ngày 7/4/1975 tại Xa Mát, Tân Biên (Tây Ninh) nhập với đoàn Ban Tuyên Huấn Trung ương Cục miền Nam (R) xuống đường thẳng tiến hướng Tây Bắc về giải phóng Sài Gòn. Xa Mát lúc đó là vùng mới giải phóng, cây cối xác xơ, toàn nhà tranh vách đất mọc dọc lộ 22, nay đã thành đô thị sầm uất, có chợ, san sát nhà tường, nhà lầu, tiệm quán bán thâu đêm. TTXGP còn có các Tổ phóng viên đi công tác địa phương trước đó “ở đâu chiến đấu tại đó”.
Qua vùng đất thép Củ Chi, không còn bóng cây ngọn cỏ, không một bóng người - sức mạnh chiến đấu đang ở dưới 240 km địa đạo. Các anh chị Út Đực, Bảy Mô, Tư Gừng… chắc đang bận bao vây ép căn cứ Đồng Dù, “hung thần” ngày đêm đe dọa, giết chóc nhân dân. Con lộ 8 Thủ Dầu Một - Củ Chi bị xe tăng địch án ngữ chặt. Ngày 29/4, căn cứ Đồng Dù bị quân ta tiêu diệt. Máy bay bom pháo địch đổ về đây.
Chiều tối 29/4, đoàn chúng tôi dừng chân ăn cơm vắt ở ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn (Hốc Môn) tại nhà chú Sáu Dần, có số thanh niên nam nữ, có cả sinh viên mừng rỡ hỏi chuyện chiến đấu. không rõ có em nào nay là cán bộ cốt cán ở địa phương hoặc lên Thành phố?
Sáng 30/4, đoàn chúng tôi vào thị trấn Hóc Môn. Buổi sáng đầu tiên của ngày giải phóng thật là xúc động. Đường Quang Trung, trục lộ chính của thị trấn la liệt xác cờ “Ba que”, bích chương phản động bị nhân dân vứt bỏ. Sau vài giờ giải phóng, chợ vẫn kẻ bán người mua, họ gặp nhau mua bán ít mà mừng vui hỏi thăm nhau nhiều. Ai cũng nét mặt rạng rỡ. Các tiệm tạp hóa, lò bánh mì,tiệm thuốc tây, tiệm giặt ủi, tiệm chụp hình… đều mở cửa đón khách. Chúng tôi hỏi chuyện với một ông già đứng gần đó là bác Năm Trứ - cha của đồng chí Chích, người đội Trưởng du kích bị địch mổ bụng lấy mật trước đó mấy ngày. Bác Năm nay đã qua đời, không biết ở Hóc Môn còn ai nhớ đến gương chiến đấu dũng cảm của người đội trưởng du kích đã hy sinh năm xưa?
9 giờ sáng 30/4, đoàn tới Gò Vấp. Từ trại huấn luyện Quang Trung có mấy phát súng lẹt đẹt bắn ra. Đoàn vẫn tiếp tục đi. Không còn kịp nữa, chúng tôi nhảy lên mấy chiếc xe lam, xe đò đang đậu chờ sẵn, chủ xe nổ máy liền hướng về Ngã tư Bảy Hiền. Một cảnh tượng bất ngờ: từng đống quân trang quân dụng của lính ngụy bỏ chật đường. Đoàn xe nối đuôi nhau tiến vào Sài Gòn.
Hoan hô! Hoan hô Quân giải phóng! Từng đợt vang lên hai bên đường suốt dọc chiều dài vô thành phố. Một không khí đặc biệt thiêng liêng không tưởng tượng được. Chúng tôi không nói được lời nào, chỉ vẫy tay nghẹn ngào mà trào nước mắt.
Tại ngôi nhà anh Chín Thép, tại đường Tự Đức, Phú Nhuận. Anh là cán bộ Thành đoàn cùng chuyến hành quân này. Ông cụ thân sinh anh sẵn sàng cho chúng tôi đặt máy phát và ragono quay tay trên sân thượng để phát tin đầu tiên “Sài Gòn mấy giờ đầu giải phóng” phát ngay về căn cứ TTXGP ở Tây Ninh, nơi có đồng chí Tổng Giám đốc Đào Tùng trực chiến. Sáng hôm sau, chúng tôi phát tiếp bài “1/5 ở Sài Gòn” (Báo Nhân dân đăng tít lại “Sài Gòn 1/5”) và một số bài về nhân dân ổn định cuộc sống sau ngày giải phóng. Sau đó, chúng tôi không có dịp đến thăm, chắc ông cụ đã qua đời, được biết anh Chín Thép (Thân Đào) làm cán bộ lãnh đạo một đơn vị của TP Hồ Chí Minh hay đi công tác nước ngoài. Tôi rất tiếc và tự trách mình chưa gặp trực tiếp anh lần nào!
3. Ai cũng biết chiến thắng nào cũng phải đổi bằng xương máu, đặc biệt đụng đầu với tên sen đầm quốc tế đế quốc Mỹ. Nhưng thật tình mà nói, mãi đến nay lòng dạ những người có mặt trong cuộc chiến vẫn chưa yên, dù kinh tế đất nước ta “hơn mười lần xưa”.
Không chỉ đau nỗi đau gia đình có nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, mà chính là nỗi đau chung lớn lao hơn của đồng đội, của nhân dân, dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta suốt 45 năm qua đặc biệt quan tâm và kiên trì thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ.
Một sự trùng hợp tự nhiên đầy ý nghĩa: ngày giải phóng miền Nam (30/4) trước ngày thương binh liệt sĩ (27/7). Hàng triệu liệt sĩ - con số án chừng (Bộ LĐTBXH chưa có số liệu chính thức) ở hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ khắp tỉnh thành, quận huyện miền Nam, là những con em thân yêu của những ông cha, bà mẹ khắp cả nước, và mấy triệu người thân của các liệt sĩ như nhắc nhở chúng ta. Mỗi lần đến viếng Đền Bến Dược - Củ Chi, đọc danh sách 45 ngàn liệt sĩ của cả nước, đọc văn bia tơi chảy tràn nước mắt:
Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn
Máu dũng sĩ chảy tràn sông suối
Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường!
...
Nợ xương máu các liệt sĩ không bao giờ trả hết. Nhân dân ta chỉ có thể trả bằng lòng thành và thiện tâm chung lo xây dựng đất nước giàu mạnh, làm thay sự nghiệp của các liệt sĩ còn dang dở. Vậy mà, những năm gần đây, có một số cán bộ, đảng viên - những đồng đội của liệt sĩ - chỉ vì lợi ích vật chất nhỏ nhen đan tâm chà đạp lên xương máu các liệt sĩ, phản bội lại những ân nhân của dân tộc.
Đó là nỗi đau và buồn lớn nhất xen lẫn niềm vui mừng 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng quốc gia phồn thịnh văn minh.