Chiều 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Hội nghị nối điểm cầu trực tuyến đến 63 tỉnh thành trên cả nước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành Tài nguyên - Môi trường đã giải quyết tình trạng lãng phí đất đai. Đến nay, đã có khoảng 1.000 dự án do 29 tỉnh báo cáo được thu hồi, với hơn 2 triệu ha đất của các công ty nông lâm trường, các dự án treo.
Điều đó cho thấy nguồn lực đất đai còn rất lớn. Đóng góp ngân sách thu từ đất đai năm 2018 chiếm trên 12% thu nội địa, gấp 2 lần do với năm 2015.
"Chúng ta phải tìm ra những nguồn lực mới, khơi thông, bứt phá, tìm ra dư địa. Tôi nhấn mạnh: lĩnh vực đất ddai còn rất nhiều dư địa. Tôi mong các địa phương nỗ lực kiểm tra toàn bộ nguồn lực đất đai có nguồn gốc nông lâm trường để khơi thông sự phát triển, đồng thời giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một thành công năm qua là trên 97% đất đai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây là tiến bộ lớn. Nhưng vẫn còn 3% còn lại có tiềm năng trong giao dịch. "Chúng ta phải có phương án để 100% đất đai được quản lý và đưa vào giao dịch trong thị trường bất động sản", người đứng đầu ngành Tài nguyên - Môi trường đề nghị.
Về vấn đề bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết Thủ tướng sẽ sớm phê duyệt Nghị định sửa đổi các Nghị định về môi trường theo hướng hội nhập, từng bước có tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hòa với các nước tiên tiến. Trong đó, thực hiện Chỉ thị 27 kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu.
Thời gian tới, công tác môi trường có 3 vấn đề cần quan tâm. Một là tập trung chống rác thải nhựa làm ô nhiễm đại dương. Hai là xử lý chất thải rắn. Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học - Công nghệ để có cơ chế phân loại, xử lý rác thải rắn. Ba là có chương trình cụ thể phát triển kinh tế biển bền vững, xử lý các dòng sông ô nhiễm…
Cũng tại hội nghị trực tuyến, nhiều Bộ trưởng đã đánh giá cao và bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu về kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng mà đất nước đạt được trong năm 2018. Đồng thời, nêu ra những vấn đề trọng điểm của ngành trong năm tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp có 3 thách thức rất lớn là tính bền vững trước thiên tai, tính nhỏ lẻ trong chuỗi liên kết giá trị nông sản và vấn đề hàng rào thuế quan, chiến tranh thương mại trong xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra giải pháp là tập trung vào chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn mới và tập trung nhóm giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu những thách thức đảm bảo cung cấp đủ điện giai đoạn 2022 - 2023. Theo Bộ trưởng, thách thức đảm bảo đủ điện là rất lớn. Ông đề nghị năm 2019 rất cần những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các đối tượng đầu tư để triển khai các dự án đầu tư then chốt cho ngành năng lượng.
Trước đề xuất của một số địa phương kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán tài sản công với các dự án BT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, khi triển khai Luật Quản lý tài sản công, Bộ Tài chính đã tích cực nghiên cứu trình các cấp thẩm quyền các nghị định liên quan.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh lý do dừng thanh toán tài sản công cho các dự án BT là do vấn đề này rất nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực. “Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định. Dự kiến đầu tháng 1, Thủ tướng sẽ ký những Nghị định này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.