Sức ép lớn về thời gian
Năm qua, Bộ Nội vụ đã gánh vác khối lượng công việc khá nặng nề khi cùng lúc phải sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng và hàng loạt công việc liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những công việc này?
Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành rất nhiều chủ trương, đường lối liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Điều này đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa, đưa các chủ trương, đường lối này đi vào cuộc sống.
Vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2018, 2019 là tập trung nguồn lực để hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Trong các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, mà trực tiếp là các bộ trưởng, trưởng ngành, xây dựng tiến độ hàng tháng, Bộ nào có văn bản nợ đọng, người đứng đầu chịu trách nhiệm.
Triển khai nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu các văn kiện của Đảng, tiến hành tổng kết, đánh giá khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm tiến độ về thời gian, nhưng đồng thời cũng không phải vì sức ép đó mà ảnh hưởng đến chất lượng của các luật trình Quốc hội.
Việc trình Quốc hội sửa đổi 4 luật liên quan đến tổ chức bộ máy và con người (Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức) tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 là thành quả xuất phát từ sự nỗ lực của Bộ Nội vụ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, sự tham gia tích cực của các địa phương trong quá trình xây dựng. Đặc biệt là sự tham gia ngay từ đầu của các cơ quan của Quốc hội ý kiến tham gia góp ý của các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở ý kiến cử tri, phản ánh đúng những vấn đề đặt từ thực tiễn cuộc sống.
Về những khó khăn hay có thể nói là thách thức đối với Bộ Nội vụ, là cơ quan thường trực, chúng tôi chịu sức ép rất lớn về thời gian, trong khi đó rất nhiều nội dung phức tạp cần phải có ý kiến của các cơ quan, tổ chức và đối tượng chịu sự tác động.
Chẳng hạn như chủ trương tách bạch đội ngũ viên chức với cán bộ, công chức, vấn đề thực hiện hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày luật có hiệu lực... Đây là những nội dung tác động hết sức sâu rộng đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân. Vì vậy, cần phải phân tích thấu đáo những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để báo cáo tập thể Chính phủ và báo cáo đầy đủ với các vị đại biểu Quốc hội. Các nội dung đều đã được cân nhắc và lựa chọn trên nguyên tắc nâng cao chất lượng đội ngũ, nhưng đồng thời cũng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Rất mừng là các nội dung đưa ra biểu quyết đạt được đồng thuận và được Quốc hội tán thành với tỷ lệ phiếu rất cao. Qua đây cũng rút ra một kinh nghiệm trong công tác xây dựng thể chế cần phải có sự trao đổi, công khai, minh bạch, càng khó khăn, phức tạp thì càng phải bảo đảm quy trình thủ tục và bảo đảm mọi thông tin đến được với Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, có như vậy mới có tính thuyết phục.
Để Luật đi vào cuộc sống, Bộ sẽ hướng dẫn, triển khai thực hiện như thế nào?
Việc thông qua các luật này là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn tổ chức thực hiện.
Để triển khai có hiệu quả quy định của các luật trên, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Vì vậy, đồng thời với các quy định sửa đổi lần này, Bộ Nội vụ đã báo cáo và được Thủ tướng nhất trí cho phép sửa đổi các nghị định liên quan đến lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức cũng như một số quy định về tổ chức bộ máy.
Trong đó, Bộ sẽ tập trung các nội dung về đổi mới phương thức tuyển dụng, công tác đánh giá cán bộ, phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương; nâng cao chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Đây là những nội dung đòi hỏi chi tiết, cụ thể, hết sức phức tạp mà không thể quy định trong luật. Bộ Nội vụ đặt mục tiêu trình Chính phủ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và thời gian có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đang trình Chính phủ xem xét ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24 và 37 năm 2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.
Hoàn thiện thể chế là yêu cầu cần thiết và quan trọng được đặt ra. Song song với đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải thực sự công tâm, tận tâm, tận lực trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, nỗ lực cho công việc chung trong quá trình xây dựng, phát triển của đất nước.
Không có chuyện “quyền lợi” hay “sợ mất quyền lợi”
Nội vụ là ngành được xem là khá nhạy cảm vì động chạm trực tiếp đến con người, Bộ trưởng có hay gặp phải những tình huống khó xử?
Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng đã ghi rõ Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Bộ Nội vụ là cơ quan “gác gôn” cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phê duyệt nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với nội dung này, Bộ Nội vụ ý thức tuyệt đối việc chấp hành các chủ trương, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tham mưu đầy đủ, đúng quy trình theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật. Và như vậy thì không có chuyện “gửi gắm”, không có chuyện “quyền lợi” hay “sợ mất quyền lợi” ở đây.
Việc càng khó thì càng phải bảo đảm đúng quy trình. Còn quy trình đó có thể có những thiếu sót, vướng mắc, chưa hoàn chỉnh cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và bản thân việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật lần này cũng nhằm mục đích như vậy.
Trong năm qua, Bộ đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là cắt bớt quyền cũng là cắt đi lợi ích của công chức Bộ, Bộ trưởng có ý kiến như thế nào và ông có gặp phải áp lực từ chính nội bộ?
Chủ trương phân cấp, phân quyền là chủ trương lớn của Đảng. Phân cấp, phân quyền không chỉ trong lĩnh vực về cán bộ, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nội dung phân cấp, phân quyền rất rộng và đang được các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ. Đã là cán bộ, công chức hưởng lương của Nhà nước, từ nguồn thu thuế của nhân dân thì làm việc không được đặt chuyện "quyền anh", "quyền tôi", không đặt vấn đề là cắt quyền hay cắt lợi ích. Vấn đề là phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình. Còn việc bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lại là câu chuyện khác.
Có thể trong quá trình thực hiện cũng có ý kiến về tính hiệu lực, hiệu quả của việc phân cấp, phân quyền. Về vấn đề này, Bộ Nội vụ cũng đang từng bước hoàn thiện, làm sao bảo đảm phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của cấp được phân cấp, phân quyền, nhưng đồng thời cũng bảo đảm đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường hướng dẫn, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ. Phân cấp, phân quyền là để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương chứ không có nghĩa là buông lỏng quản lý của các cơ quan Trung ương.
Xử lý nghiêm công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong việc thực hiện quy định này, nhất là trong bối cảnh Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc đang cận kề?
Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở, các tổ chức đảng kịp thời phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện quy định này đến các đảng viên.
Bộ cũng quán triệt, công tác cán bộ được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Nội vụ về công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật… đối với công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ.
Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ chỉ đạo kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; không vận dụng, ưu tiên bất cứ trường hợp nào. Hồ sơ tuyển dụng (tiếp nhận), bổ nhiệm phải đầy đủ, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; không để tình trạng nợ văn bằng, chứng chỉ.
Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ (tương đương) trở lên phải thông qua Ban Cán sự đảng Bộ và có nghị quyết để Vụ Tổ chức cán bộ có cơ sở tham mưu, thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định. Hồ sơ bổ nhiệm phải phối hợp với Thanh tra Bộ để thẩm định.
Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức các đoàn kiểm tra của Bộ để kiểm tra công tác tổ chức cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ; xử lý nghiêm đối với các công chức, viên chức có biểu hiện, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để lừa đảo, trục lợi. Cùng với đó, tăng cường chấn chỉnh tình trạng lợi dụng dân chủ trong khiếu nại, tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ, hạ uy tín người khác, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của đơn vị.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!