Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Phát triển ngành y tế theo hướng 'kiềng ba chân'

Ngày 27/10, tại phiên thảo luận tại hội trường liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về chất lượng khám chữa bệnh, tình trạng quá tải của ngành y tế...

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tăng cường chất lượng y tế cơ sở

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh)  nêu ý kiến: Y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu, người gác cổng của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu trực tiếp gần dân nhất, là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, tạo công bằng xã hội, giảm quá tải với tuyến trên. Nhưng hiện nay các trạm y tế chưa tạo được niềm tin đối với người dân, Nhiều trạm y tế chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa quan tâm đến công tác dự phòng. Phần lớn trạm y tế chưa quản lý tốt bệnh mãn tính; số lượng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế; danh mục thuốc còn ít. Hầu hết các trạm y tế xã phường chỉ thực hiện 50 - 70% số dịch vụ kỹ thuật; khoảng 40% danh mục thuộc theo phân tuyến.

Nguyên nhân chủ yếu theo đại biểu là do nguồn lực thiếu, yếu; chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, kinh phí đầu tư chưa bảo đảm. Một số ít địa phương chưa thực sự quan tâm đối với hoạt động của trạm y tế.

Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh

Giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề của ngành y tế trong đó có nội dung chất lượng khám chữa bệnh và y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thời gian qua, với nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, ngành y tế đã có những tiến bộ khá rõ nét. Đánh giá gần đây nhất của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc bằng chỉ số PAPI, chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh đạt 76%. Tổ chức sáng kiến Việt Nam cũng đánh giá 3 nghìn người dân ra viện, phỏng vấn người nhà sau 2 tuần. Theo đó, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân nội trú là 80%. 

Để đạt được kết quả, ngành y tế đã có nhiều giải pháp đồng bộ như vấn đề giảm tải bệnh nhân. Ở tuyến trung ương, có 37/39 bệnh viện đã không còn bệnh nhân nằm ghép trong 24 giờ. Các cơ sở khám chữa bệnh trung ương ứng dụng nhiều kỹ thuật ngang tầm quốc tế trong khám chữa bệnh, đồng thời chuyển giao kỹ thuật này cho tuyến tỉnh như: mổ tim mở, can thiệp tim mạch, nội soi. Đến nay, nhiều tuyến tỉnh kể cả vùng miền núi, Đồng bằng sông Cửu Long, có thể thực hiện các kỹ thuật cao như: thụ tinh nhân tạo, ghép tạng...

Cùng với đó, Bộ Y tế ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức đánh giá độc lập, chấm điểm, phân hạng bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh đã triển khai được công tác này. Nhiều bệnh viện mới ở tuyến tỉnh và tuyến huyện được xây dựng mới. Bệnh viện tuyến trung ương được xây mới và sửa chữa rất nhiều, tạo nên bộ mặt bệnh viện khang trang, xanh, sạch, đẹp. Đề án xanh sạch đẹp đổi mới toàn diện thái độ phong cách hướng tới sự hài lòng của người bệnh cũng được triển khai quyết liệt trong toàn ngành. Các bệnh viện được ứng dụng công nghệ thông tin; bệnh nhân có nơi chờ, lấy số, có người hướng dẫn, bộ phận tiếp dân, có đường dây nóng phản ánh các vấn đề của bệnh viện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện, rửa tay tuy nhỏ nhưng có tính chất quyết định đối với mỗi bệnh viện. “Nếu bệnh viện nào để nhà tiêu bẩn thì giám đốc bệnh viện đó ở bẩn. Nếu khoa nào để nhà vệ sinh bẩn không có nước rửa tay thì trưởng khoa đó ở bẩn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, với việc lập đường dây nóng, trong thời gian qua, ngành y tế đã xử lý được khoảng 10 nghìn cán bộ y tế từ cấp xã đến trung ương với nhiều hình thức kỷ luật, thậm chí là nghỉ việc và chuyển việc.

Một điểm mới trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là việc đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới lộ trình tính đúng, tính đủ. Điều này giúp chất lượng khám chữa bệnh tăng, giúp tái đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Chất lượng bệnh viện tốt cũng thut hút người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Ngành y tế cũng thực hiện đề án đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại khá, giỏi, xung  phong lên làm việc tại 62 huyện nghèo trên cả nước.

Với tuyến y tế cơ sở, gần như 100% các cơ sở khám chữa bệnh được kết nối với bảo hiểm xã hội. Các trạm y tế xã cũng quản lý hồ sơ sức khỏe, thực hiện xây dựng mô hình bác sỹ gia đình. Trước mắt xây dựng 26 trạm y tế xã điểm, kèm theo đó là xây dựng các dự án y tế từ nguồn vốn ODA đã được Chính phủ ủng hộ để có thể tăng cường cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Quá tải bệnh viện tuyến cuối

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu nhiều hạn chế của ngành hiện nay như việc quá tải tại khoa khám bệnh thuộc các bệnh viện Trung ương tuyến cuối. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Bộ Y tế là người dân bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối do không tin tưởng tuyến dưới. Điển hình là vụ dịch tay chân miệng vừa qua, bệnh nhân độ 1, 2 có thể về nhà nhưng cũng vào bệnh viện nằm gây quá tải không cần thiết, nhiễm trùng chéo, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện, chưa đảm bảo tỷ lệ 3 điều dưỡng, 1 bác sỹ trên 1 bệnh nhân. Bên cạnh đó, cứ một bệnh nhân vào viện thì có đến 3,4 người nhà vào. Do đó, người dân vẫn phải chăm sóc toàn diện chứ không phải là bệnh viện. Việc này có nhiều nguyên nhân trong đó có việc cơ chế tài chính chưa đủ để chi trả; chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu cả về chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh giữa thành thị và vùng sâu xa không đồng đều dù đã được cải thiện rất nhiều bằng việc đưa bác sỹ giỏi về khu vực này, đồng thời có chính sách tăng cường cơ sở vật chất nhưng rõ ràng vẫn có sự chênh lệch này. Cùng với đó, chất lượng nhân lực cũng chưa đảm bảo. Mô hình đào tạo hiện nay của ngành y tế còn chưa hội nhập được theo quốc tế. 

Hướng phát triển “kiềng ba chân”

Về hướng phát triển ngành y tế thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ hiện giải quyết theo hướng “kiềng ba chân". Thứ nhất là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi đang còn khoẻ mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra, phát hiện bệnh sớm vì "nếu bị rồi thì chữa rất khó và rất tốn kém". Chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu phải gắn với mô hình y học gia đình, trạm y tế xã phường và phòng khám bác sỹ gia đình.

"Chúng tôi đang xây dựng 26 mô hình điểm giống mô hình các nước đã phát triển một cách toàn diện cả về con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Các nước có thu nhập bình quân khoảng 15 - 17.000 USD thì họ mất 10 năm xây dựng mô hình này. Việt Nam với mức thu nhập gần 3.000 USD cũng sẽ cố gắng phấn đấu trong 10 năm. Trong 5 năm tới có mô hình cơ bản và trong 20 năm nhân rộng trong cả nước. Bộ trưởng mong Chính phủ sớm phê duyệt hai ODA xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu vùng xa.

Thứ hai là khi người dân bị bệnh, phải vào bệnh viện thì cần được chăm sóc chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. "Sắp tới Bộ Y tế sẽ hình thành một loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo các thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khoẻ thì có thể thực hiện tại Việt Nam. Điều này là trong tầm tay của ngành y tế Việt Nam hiện nay nhưng cũng phải có chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính", Bộ trưởng Y tế cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho ngành y tế một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, giá dịch vụ, kết hợp công tư, mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay. Nếu không đẩy mạnh bảo hiểm tư nhân mạnh mẽ và các bổ sung, thì với bảo hiểm xã hội mệnh giá như hiện nay sẽ không thể nào chi trả được việc đó.

Thứ ba là vấn đề nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Về nhân lực, sắp tới Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Đại học, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế theo hướng học 6 năm ra trường phải học thêm 1 năm nữa thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề với đánh giá của hội đồng quốc gia độc lập. Sau đó, các bác sỹ phải học chuyên khoa ít nhất 2 - 3 năm mới có thể hành nghề theo mô hình của quốc tế.

Thu Phương - Phúc Hằng (TTXVN)
Đại biểu Quốc hội nói về khu đất quốc phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Đại biểu Quốc hội nói về khu đất quốc phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Chiều 26/10, phát biểu tranh luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) đã có báo cáo về khu đất quốc phòng trên địa bàn Hải Phòng mà trước đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đã nhắc đến khi kiến nghị Chính phủ sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là "phạt cho tồn tại".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN