Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không dễ dãi trong việc chấm điểm các sản phẩm OCOP

Tại phiên trả lời chất vấn sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan khẳng định, Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, phấn đấu đến năm 2025 có 25.000 hợp tác xã. Theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này đã có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20 và Luật Hợp tác xã được thông qua năm 2023, đã có một sự chuyển biến lớn về mặt nhận thức và yêu cầu ở các địa phương. Lãnh đạo nhiều địa phương đã đưa vào xây dựng các kế hoạch triển khai Nghị quyết 20. Có rất nhiều cơ chế, chính sách cho HĐND các địa phương để hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hợp tác xã. Đơn cử như Bắc Kạn không phải là một tỉnh giàu có, nhưng chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã đã truyền cảm hứng cho các địa phương khác. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT sẽ phân loại các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao chất lượng: Quản trị, đa dạng hóa dịch vụ, xúc tiến thị trường, ứng dụng công nghệ nông nghiệp...

Về các sản phẩm OCOP, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này có khoảng 10.000 sản phẩm OCOP. Quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, OCOP hiểu đúng nghĩa trong tiếng Việt là “mỗi làng một sản phẩm”. Điều đó có nghĩa là một sản phẩm phải là của làng, của một cộng đồng. Bộ cũng sẽ hướng dẫn cho các địa phương làm sao để sản phẩm OCOP thực sự trở thành một kết tinh từ tài nguyên bản địa từ công nghệ, kỹ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm.

Về ý kiến chất vấn cho rằng, có tình trạng dễ dãi trong việc chấm thẩm định các sản phẩm OCOP hay không? Bộ trưởng Lê Minh Hoa cho rằng, hiện nay, các sản phẩm OCOP do Bộ NN&PTNT chấm thẩm định. Các sản phẩm OCOP 4 sao trở xuống là thuộc thẩm quyền thẩm định của các địa phương.

Hiện nay, việc tạo ra một sản phẩm đã khó, nhưng để đưa sản phẩm ấy ra thị trường càng khó hơn; để sản phẩm ấy tồn tại trong thị trường cách bền vững càng khó hơn nhiều lần. Từ một sản phẩm tồn tại trong thị trường đến một sản phẩm được tối ưu hóa giá thành, tạo ra sinh kế cho cộng đồng, trở thành một khu vực kinh tế nông thôn cùng hợp tác xã thì phải đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương. Các địa phương không chỉ có trách nhiệm chấm thẩm định mà quan trọng hơn là việc hỗ trợ đưa các sản phẩm đó có đến được thị trường.

Trước vấn đề trên, người đứng đầu ngành Nông nghiệp yêu cầu các lãnh đạo địa phương phải chú trọng hai khu vực là hợp tác xã và sản phẩm OCOP để hợp thành khu vực kinh tế nông thôn như trong Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: Giống như một đại biểu vừa nói về chim sẻ và đại bàng. OCOP của các địa phương có thể coi giống như những chú chim sẻ. Chúng ta phải ấp ủ để chim sẻ đủ lớn, đủ mạnh để từ đó có cơ hội thu hút đầu tư bên ngoài. Chúng ta sẵn sàng tận dụng cơ hội được đầu tư khi chúng ta có nền tảng là những con chim sẻ ở địa phương.

L. Sơn/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội dành 70 phút để tiếp tục chất vấn về nhóm nội dung kinh tế ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN