Nỗ lực để tăng thu ngân sách
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2022 là năm đầu đầu tiên thực hiện hoá đơn điện tử (từ 1/7/2022), nên tăng được nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, năm 2023, thu thuế nội địa giảm 27.000 tỷ đồng, tức là giảm 2% so với 2022, riêng thu từ dầu thô đạt 79% kế hoạch do ảnh hưởng từ biến động giá.
Lý giải về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giá dầu thô của năm 2022 là 104,7 USD/thùng, nhưng năm 2023 giảm xuống 88 USD/thùng, nên giảm thu ngân sách 16.000 tỷ đồng. Vấn đề nữa là xuất nhập khẩu của năm 2023 do ảnh hưởng từ tình hình chiến tranh của Nga – Ukraine, lạm phát nên các quốc gia thắt chặt chi tiêu, nên thu từ xuất nhập khẩu giảm 66.800 tỷ đồng, đạt 76,6% kế hoạch.
Từ những vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ Tài chính đã nỗ lực tìm mọi giải pháp, biện pháp, nỗ lực để tăng thu ngân sách, nhưng không ảnh hưởng đến “sức khoẻ” và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nghĩa là phải tìm cách thu những khoản thu tiềm năng.
Cụ thể, có những khoản trước đây không thu được như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thì hiện đã có 93 tổ chức công nghệ nước ngoài như Youtube, Google, Facebook, Microsoft… đã kê khai nộp thuế trên cổng thông tin điện tử nộp thuế thương mại điện tử xuyên biên giới của Bộ Tài chính, hiện đã thu được 14.500 tỷ đồng.
Năm 2024, Bộ cũng tập trung thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, mua bán online, nên đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế và cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát thanh toán, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt… nên gần 2 quý vừa qua đã thu được khoảng 50.000 tỷ đồng từ các khoản này.
Với những kết quả này, Bộ trưởng nêu rõ, đây là nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, phải có sáng kiến, sáng tạo, đúng pháp luật và đi đầu về công nghệ mới trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế nhằm tăng thu. Bộ Tài chính đã xây dựng phần mềm kiểm soát hoá đơn điện tử, để chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế đã phát huy tính sáng tạo để đưa ra biện pháp, sáng kiến như quay số hoá đơn may mắn nhằm khuyến khích người dân lấy hoá đơn. Các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc trong thời gian rất ngắn đã đạt 100% thực hiện xuất hoá đơn theo từng lần bán, dữ liệu được kết nối dữ liệu với cơ quan Thuế.
Nói thêm về những hoạt động nhằm “khoan sức dân”, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 và 3 năm qua đã miễn giảm thuế, phí. 6 tháng cuối năm 2024 đang trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình họp đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng.
“Đây là những giải pháp vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng tăng cường tập trung nguồn thu. Dùng tăng thu, vượt thu để đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc, các công trình trọng điểm…”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
Tại phiên thảo luận tổ, các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, qua đó giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. Các đại biểu cũng cho rằng, công tác điều hành của Chính phủ, các ngành có tính quyết định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, hạn chế thương mại ở mức hợp lý…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) phân tích tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế vẫn còn chịu tác động từ kinh tế thế giới do độ mở lớn. Đồng thời, đại biểu cũng lo lắng lạm phát tăng, xuất nhập khẩu giảm kéo theo nguồn thu ngân sách cũng giảm, nhất là ở các mặt hàng đánh thuế cao như ô tô, máy móc thiết bị, sắt, thép...
Từ phân tích tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ tương thích để nền kinh tế vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đề ra.
Trong đó, đại biểu nhấn mạnh đến 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đó là động lực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Về động lực xuất khẩu, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam...
Đại biểu cũng phân tích số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 3 năm qua để nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong. Do vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn như chính sách miễn giảm thuế, gia hạn nợ, cơ cấu nợ... để tiếp sức doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Một động lực quan trọng tiếp theo đó là đầu tư, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đối với nguồn đầu tư nước ngoài cần ưu tiên thu hút nhà đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường và kết nối doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.
Đại biểu cũng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đề nghị Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhanh hơn, đồng bộ hơn; đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để đảm bảo tính ứng phó kịp thời, điều hành linh hoạt.
“Tôi cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trong đó đảm bảo phân cấp toàn bộ, trọn gói cho địa phương”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ), năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu, như tăng trưởng GDP thấp, tỷ trong công nghiệp chưa đạt… Đại biểu cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do nền kinh tế khó khăn hơn, thì cũng còn do công tác hoạch định các chỉ tiêu chưa bám sát thực tế, nên Chính phủ cần có những phân tích sâu nguyên nhân để tính toán giải pháp hợp lý.