Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn

Sáng 1/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII vừa qua.

Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp, trực tuyến đến các Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước.

Dự phiên chất vấn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội và đại diện các bộ, ngành liên quan.

Những nội dung được các đại biểu Quốc hội đề nghị người đứng đầu ngành Công thương giải đáp trong phiên chất vấn liên quan đến các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường (xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước; tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước...); trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với tư cách là người đứng đầu xác định trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc để xảy ra tình trạng yếu kém trong quản lý thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, thực trạng trong những năm vừa qua, thương lái nước ngoài thu gom một số hàng hóa nông sản. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương đã nắm bắt được tình hình, tổ chức rà soát lại khung pháp lý thực hiện Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh.

Theo quy định của pháp luật, thương lái nước ngoài nếu không có đại diện chính thức tại Việt Nam thì phải thông qua pháp nhân của Việt Nam mới được tổ chức thu mua. Nhưng trên thực tế, có tình trạng, một số thương lái nước ngoài vẫn vi phạm quy định này. Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý, ngăn chặn. Nhờ đó, từ đầu năm 2014, theo thông tin tổng hợp tại nhiều địa phương, không còn hiện tượng này xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Giải thích về nguyên nhân dẫn tình trạng này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, một phần do cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nắm bắt, tránh bị các đối tượng trục lợi. Bộ cũng chưa làm tốt công tác phối hợp liên ngành để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Thời gian tới, Bộ sẽ khắc phục và tiếp tục nâng cao năng lực thực thi công vụ của lực lượng chức năng, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý thị trường để ngăn chặn kịp thời, triệt để hơn.

Đối với vấn đề quản lý Nhà nước về khoáng sản, nhận trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, để xảy ra tình trạng xuất lậu khoáng sản gây thất thu ngân sách, thiếu hụt tài nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nhất là các địa phương miền núi thực hiện quyết liệt hơn việc quản lý các doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết không để xảy ra xuất lậu khoáng sản.

Trả lời chất vấn của các đại biểu: Thạch Dư, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh và Lê Đắc Lâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về tình trạng thiếu điện cung cấp cho sản xuất nông, thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Vấn đề cung cấp điện liên quan mật thiết đến quy hoạch. Đối với khu vực đã có quy hoạch phát triển điện thì ngành điện sẽ tập trung bố trí vốn theo lộ trình đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trong bối cảnh diện tích nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng lên quá nhanh, khiến mất cân đối nguồn cung về điện, ngành điện không thể tăng trưởng kịp thời để đáp ứng nhu cầu.

Cảm ơn một số địa phương đã ứng trước việc xây dựng đường dây tải điện cho ngành điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh, ngành điện sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện cho sản xuất nông nghiệp bằng nhiều biện pháp huy động vốn, trong đó, chú trọng việc tranh thủ tài trợ của nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương làm tốt hơn công tác quy hoạch điện để đảm bảo lộ trình cung cấp đủ điện cho sản xuất. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị Quốc hội xem xét phân bổ ngân sách đáp ứng chương trình đưa điện về nông thôn tại những vùng chưa có điện.

Liên quan đến việc dưa hấu ứ đọng ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, chủ yếu tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Do địa hình mặt bằng hẹp, năng lực thông quan của các cửa khẩu khu vực này rất hạn chế. Mỗi ngày chỉ thông quan được 300 xe tại Tân Thanh, còn đối với cửa khẩu Cốc Nam là 200 xe. Nhưng trong những ngày qua có lúc tập trung đến 1.800 xe nên dẫn đến ứ đọng mặt hàng dưa hấu tại cửa khẩu.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, do việc cấp phép nhập khẩu dưa hấu qua cửa khẩu thuộc thẩm quyền của phía bạn Trung Quốc (trước nay chủ yếu phía bạn cho nhập qua cửa khẩu Tân Thanh) nên việc thông quan loại hàng hóa này rất bị động, hạn chế. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng phân tích thêm, chính do tập quán kinh doanh của các thương nhân theo kiểu cứ đưa hàng lên biên giới trong khi chưa ký được hợp đồng bán hàng qua biên giới đã góp phần dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng tại cửa khẩu.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan kéo dài thời gian làm việc tại cửa khẩu đến 21h, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật. Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng tích cực vận động phía bạn mở thêm cửa khẩu thông quan loại mặt hàng này; tạo điều kiện tối đa cho việc giải quyết hàng tồn.

Bộ Công thương và tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề nghị các địa phương điều tiết việc đưa hàng lên cửa khẩu, tránh tình trạng dồn dập trong cùng một thời điểm, gây ứ đọng hàng hóa. Các thương nhân trong nước cần chủ động ký kết hợp đồng mua bán hàng trước khi đưa hàng lên biên giới, để giải phóng hàng nhanh chóng.

Trả lời đại biểu Quốc hội xung quanh việc hình thành, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu luôn được sử dụng và quản lý đúng mục đích. Liên bộ Tài chính – Công thương thường xuyên giám sát, quản lý việc sử dụng Quỹ, đảm bảo công khai, minh bạch. Theo ông Hiếu, năm 2013, đã có 21 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó 10 lần không tăng giá. Quỹ Bình ổn có vai trò hết sức quan trọng, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.


Quang Vũ


Bộ Công Thương lên tiếng việc thương lái Trung Quốc thu mua 'trái khoáy'
Bộ Công Thương lên tiếng việc thương lái Trung Quốc thu mua 'trái khoáy'

Trước thông tin hàng loạt thương lái Trung Quốc thu mua nông sản của Việt Nam một cách bất thường làm ảnh hưởng tâm lý người dân cũng như an ninh chính trị của toàn xã hội, Bộ Công Thương đã chính thức lý giải từng sự việc để giải tỏa những bất an trong dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN