Tiềm năng còn nhiều
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ ngày 25/5, đề cập tới vấn đề phục hồi kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Thời gian qua đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng. Rõ ràng là nỗ lực rất lớn trong 1 năm qua cũng như 4 tháng đầu năm nay mới giữ được, tạo dựng được đà tăng trưởng như hiện nay.
"Nguồn vượt thu từ tiền sử dụng đất dự toán là 8,3% thì thực hiện là 11,8% trong tổng thu. Dầu thô dự toán chiếm 1,7% thực hiện là chiếm 2,9% trong tổng thu ngân sách. Điều đó có nghĩa là sức sống của nền kinh tế của chúng ta vẫn là 55% ngoài đất và ngoài dầu thô vẫn phát triển được", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vừa rồi Bộ đã thực hiện khoảng 4 tỷ hóa đơn điện tử, tới 1/7 sẽ thực hiện được khoảng 7 tỷ hóa đơn điện tử, nghĩa là 100% doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử. Khi đã sử dụng hóa đơn điện tử thì các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, mua bán vật tư, hàng hóa xuất hóa đơn phải thể hiện trên hóa đơn, khi đó thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên.
“Năng lực về tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam còn nhiều, 4 tháng năm 2022 đạt 46,6%, tăng 15,4% so với năm 2021. Đến 22/5 thu được 758 nghìn tỷ đồng thuế, đạt 54% dự toán, vượt 16,42% so với cùng kỳ năm trước; thể hiện rằng sức sản xuất của chúng ta đang trỗi dậy, phát triển. Phải làm thế nào để tập trung cho nền sản xuất phát triển, cho doanh nghiệp phát triển, cho vấn đề thu hút đầu tư lớn, đặc biệt cho vấn đề đầu tư công để làm mồi và lôi kéo đầu tư tư. Đây là giải pháp chống lạm phát”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay chúng ta có rất nhiều thách thức. Đó là tình hình thế giới, Mỹ, các nước Châu Âu, châu Á đều lo ngại lạm phát, giá cả tăng cao. Từ xung đột Nga-Ukraine, chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu gặp nhiều khó khăn...
Trong nước cũng đang đối diện với vấn đề lạm phát, giá cả tăng cao, vấn đề lãi suất ngân hàng. Lãi suất của ngân hàng thương mại huy động đã 7,3% rồi thì muốn vay phải trên 10%, gây áp lực lên các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay lãi suất cao, khả năng tiếp cận lãi suất khó.
“Ngoài ra, giá thành sản xuất, kinh doanh sẽ cao lên tạo khó khăn cho doanh nghiệp, tạo khó khăn cho nền kinh tế. Một số ngân hàng thương mại cũng khó khăn, nợ xấu; một số doanh nghiệp rất khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến người lao động, việc làm, thu ngân sách. Đất nước mới trải qua đại dịch, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để tăng được năng lực cho nền kinh tế. Muốn vậy sẽ phải phát triển được sức sống của doanh nghiệp. Đây là động lực quan trọng nhất để phục hồi, phát triển nền kinh tế”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Phải tách dự án giải phóng mặt bằng riêng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, những thách thức đó đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, về tiếp cận đất đai, quản lý làm thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; tạo ra những tiện ích, cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp. Tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc, nếu có đường sẽ phát triển được nhiều ngành nghề khác, giải quyết được vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư tốt hơn.
Vừa qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng các tuyến đường cao tốc. Toàn bộ số vượt thu ngân sách ngoài thực hiện chính sách tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, còn lại được dồn để làm các đường cao tốc đi về các tỉnh như lên Tây Nguyên, xuống Vũng Tàu, đường cao tốc phía Đông…
Ở góc độ làm thế nào để chống lạm phát trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các cấp, các ngành phải tập trung vào tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công phát triển.
Vấn đề này có nhiều vướng mắc, ví dụ như vấn đề tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Đây là yêu cầu bức thiết vì giải phóng mặt bằng là nằm trong phần chuẩn bị đầu tư, phải chuẩn bị trước. Tách phần này không chỉ dự án nhóm A, dự án đặc biệt hay những tỉnh có chế đặc thù mà nên làm phổ biến. Từ trước tới nay, khâu giải phóng mặt bằng hầu hết giao cho huyện làm, trên tỉnh không làm. Đường đi qua huyện nào thì giao cho huyện đó làm từ xác nhận nguồn gốc sử dụng đất đến thống kê, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng đến chi trả cho dân…
“Giải phóng mặt bằng rất lâu, không thể 1-2 tháng làm được mà cả năm, thậm chí có những dự án hàng chục nằm, còn phải cưỡng chế… Tách ra để bố trí trước vốn. Đây là vướng mắc cần tách ra để làm mới đúng. Chúng ta sẽ không để lạm phát tác động nhiều đến kinh tế còn công trình cứ kéo dài ra năm này qua năm khác, làm doanh nghiệp lỗ, sức sống của nền kinh tế sẽ giảm đi", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.