Video Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ:
Linh hoạt giữa chính sách tài khoá và tiền tệ
Nhận xét về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng những giải pháp và mục tiêu rất sát thực trong bối cảnh của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, năm 2021 là năm Viêt Nam bị dịch COVID-19 hoành hành khốc liệt trên diện rộng với thời gian dài (từ cuối tháng 4 đến nay). Trong suốt thời gian đó, Việt Nam vừa đối phó với dịch, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Với nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đến nay, chính sách tài khoá đã hoàn thành. Mặc dù đã giảm, giãn và miễn nhiều thuế nhưng Bộ Tài chính vẫn đảm bảo thu ngân sách cuối năm tăng 1,7 %; chi ngân sách không vượt dự toán; bội chi ngân sách dư như Quốc hội đã phê chuẩn; tiết kiệm chi đầy đủ nguồn lực để chống dịch và thực hiện các gói phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn chứng về hàng loạt chính sách mà Chính phủ đã ban hành như: Nghị định 52 về giãn hoãn thuế. Riêng chính sách này giúp cho doanh nghiệp giảm 115 ngàn tỷ tiền thuế. Chính sách miễn 3 thuế, miễn tiền phạt chậm nộp là 21,3 ngàn tỷ đồng, giảm 30 loại phí, giảm phí thuế xăng dầu của máy bay và các chính sách khác. Theo Bộ trưởng, các chính sách đã ban hành rất kịp thời. Đồng thời, là chính sách tài khoá đối với chi giảm 10%. Vừa rồi, Việt Nam thực hiện rất tốt, giảm 50% chi thường xuyên như: Chi công tác phí, chi hội nghị, chi đi công tác nước ngoài, giảm 15% đối với các đơn vị có tính đặc thù.
“Như vậy có thể nói, phát hành trái phiếu Chính phủ để cơ cấu lại nợ, vay rất có hiệu quả. Trước đây, Việt Nam vay nước ngoài nhiều, đến bây giờ việc vay nước ngoài một năm khoảng 40 ngàn tỷ. Con số này rất ít. Phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước một năm là 350 ngàn tỷ, lãi suất 2,26%/năm. Thời điểm này cũng gần Tết, chúng tôi đang tích cực thực hiện kết hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ một cách linh hoạt. Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm một cách tốt nhất”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính lấy ví dụ về việc thị trường chứng khoán có tiến triển tốt như những ngày vừa qua, chỉ số index lên đến 1.500 điểm, khối lượng giao dịch lên tới 27.000 tỷ đồng. “Điều đó thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế”, Bộ trưởng nói. Bài toán đặt ra với các cấp, các ngành hiện nay là việc chống dịch cũng như phát triển kinh tế đã sang một giai đoạn mới. Và làm thế nào để thực hiện được điều đó.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đề án cơ cấu nói rõ phải đảm bảo tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp phát triển và tài chính dân cư phát triển. Do đó, bây giờ chúng ta cần tạo nên các gói kích thích kinh tế đảm bảo cho cầu của nền kinh tế tăng lên, từ đó bước sang giai đoạn mới để phục hồi vấn đề tăng trưởng. Những giải pháp ở đây cần phải bàn kỹ.
“Trong những giải pháp đó, Bộ Tài chính đang đề nghị với Chính phủ cần có giải pháp thiết kế từng gói và quản lý theo từng gói kích thích kinh tế để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Khi nền kinh tế đã phục hồi và phát triển, lúc đó chúng ta tăng thu được ngân sách, đồng thời, với vấn đề giảm chi ngân sách sẽ kéo giảm của bội chi xuống. Do đó, sắp tới chúng ta đưa chuyển đổi số là kế hoạch dài hạn, trong tương lai, vấn đề cốt lõi cho sự phát triển bền vững. Còn kế hoạch ngay bây giờ mà doanh nghiệp cần là cần thị trường, cần nguồn nhân lực, cần vốn, cần tháo gỡ về cơ chế chính sách và thể chế. Chúng ta tập trung vào những cái cần này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.
Lý giải về “những cái cần” trước mắt, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào thể chế và đầu tư hạ tầng giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng một cách nhanh nhất. Về cải cách thể chế, Bộ Tài chính đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc thông qua những Luật đã trình ở Quốc hội.
Làm rõ hơn những vấn đề này, người đứng đầu ngành tài chính lấy ví dụ về việc giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn nếu gom toàn bộ việc giải phóng mặt bằng vào trong dự án thì khi phê duyệt dự án xong mới giải phóng mặt bằng. Điều đó có nghĩa phải hơn 1 năm sau mới giải phóng mặt bằng được. Trong khi đó, rất nhiều phần việc phải thực hiện như thống kê, kiểm đếm, xây dựng đơn giá, thu hồi đất, xác minh nguồn gốc sử dụng đất. Chưa kể, việc giải phóng mặt bằng phải tính đến trường hợp cưỡng chế. Còn khi tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án thì có nghĩa việc giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, nếu tận dụng quỹ đất xung quanh thì tính chủ động sẽ cao và đi vào thi công rất nhanh, đảm bảo tính đồng bộ trong việc thực hiện quy hoạch cũng như mỹ quan.
Cứu doanh nghiệp theo "4 cần"
Trước những vướng mắc như đã nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo phân cấp mạnh mẽ. Những dự án ở nhóm B trở lên thì ở địa phương, còn những dự án nhóm A (công trình y tế, giáo dục, dân dụng) có mức đầu tư nhỏ (800 tỷ đồng) sẽ đưa về các Bộ.
Về việc đầu tư, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, khi giải ngân được đầu tư công sẽ tạo nên bản sắc để đồng hành cho sự phát triển. Nhắc lại việc khích thích sự phát triển kinh tế bằng cách doanh nghiệp cần gì, Bộ trưởng cho rằng, nếu doanh nghiệp cần vốn, cần nguồn nhân lực, cần thị trường, cần thể chế thì chúng ta giải quyết.
Về vốn, Bộ Tài chính đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có một số gói kích thích kinh tế. Ở gói hỗ trợ lãi suất, Bộ cũng đề nghị Thủ tướng chủ trì, Bộ Tài chính cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện gói hỗ trợ lãi suất. Gói này được lấy từ chính sách tài khoá, nghĩa là lấy từ ngân sách Trung ương với mức khoảng 20 ngàn tỷ đồng/1 năm. Nếu lấy hai năm là 40 ngàn tỷ đồng. Như vậy, Chính phủ sẽ hỗ trợ 2% hoặc 3% cho các doanh nghiệp mà bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Nhưng những doanh nghiệp này phải có đủ điều kiện để vay để phát triển sản xuất mới, như: Du lịch, dịch vụ, các dịch vụ vận tải, ăn uống và các dự án đầu tư với công trình hạ tầng. Đặc biệt là các công trình hạ tầng trọng yếu, công trình hạ tầng quốc gia. Nguồn vốn nào bỏ vào đây đều tạo nên sự kích cầu rất tốt. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đang phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước nhằm huy động tiền, đô la nhàn rỗi trong dân cư. Mức lãi suất Ngân hàng thương mại là 0 đồng để phát triển kinh tế của đất nước. “Vay của dân sẽ không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Do đó, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp tốt trong vấn đề này có thể cần thiết phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn để chúng ta tập trung vào giải quyết những vấn đề trước mắt và thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Sau đó, quay vòng vốn đảm bảo cho phát triển. Nếu vay năm 2022 và 2023, chúng ta có thể tăng bội chi nhưng năm 2024 khi kinh tế tăng lên rồi, thu ngân sách tăng lên thì giảm bội chi và bội chi bình quân của cả nhiệm kỳ vẫn đạt được theo chỉ tiêu mà đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra. Chúng tôi đang nỗ lực với nhiều giải pháp nữa. Trong đó có giải pháp về thu, Bộ Tài chính sẽ trình với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Tại thảo luận tổ, báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính tập trung thu nền tảng số và Thủ tướng Chính phủ đến để nhấn nút khai trương về vấn đề hoá đơn điện tử. Từ ngày 1/7/2022 tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều thực hiện hoá đơn điện tử có mã. Có nghĩa là cơ quan thuế quản lý những hoá đơn điện tử nhằm tránh trường hợp buôn bán hoá đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng trục lợi. Thực hiện điều này sẽ kiểm soát quản lý thuế và thu thuế trên nền tảng số như Youtube, sàn thương mại điện tử.