Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Quỹ bảo hiểm kết dư tương đối tốt

Chiều 22/10, sau khi trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã làm rõ hơn các nội dung liên quan tại buổi thảo luận tổ ngay sau đó.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong các chính sách trụ cột an sinh xã hội  thì có hai chính sách căn bản nhất là Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế. Đây là lưới an sinh quan trọng trong đảm bảo quyền của công dân.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ những vấn đề liên quan đến Bảo hiểm xã hội tại buổi thảo luận ở tổ chiều 22/10. 

"Lần đầu tiên vấn đề Bảo hiểm xã hội được trình bày tại Quốc hội. Do đó, đây là cơ hội thay đổi nhận thức, thái độ, trách nhiệm của người dân về vấn đề này. Nếu như trên thế giới có 9 loại hình bảo hiểm thì Việt Nam có 8 loại hình bảo hiểm. Riêng có bảo hiểm gia đình là chưa có. Điều đó thể hiện rõ sự cố gắng, từ việc xây dựng thể chế, chủ trương chính sách, quản lý nhà nước đến công tác điều hành", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nếu những năm trước khi nhắc đến Bảo hiểm xã hội, nhiều người có câu cửa miệng là “vỡ quỹ”. Nhưng đến giờ này bảo hiểm xã hội có kết dư tương đối tốt. Đây là điều đáng mừng. Cụ thể, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, Bảo hiểm hưu trí, Bảo hiểm thai sản… đều đang đảm bảo chi đúng mục tiêu, mục đích và cơ bản thực hiện tốt như Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

“Thời gian vừa qua, việc tham gia bảo hiểm xã hội của người dân bước đầu có kết quả phấn khởi. Trước hết, khi thực hiện Nghị quyết 28, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đạt 50% nhưng sau đó không đạt. Nhưng đến Nghị quyết Trung ương 5 (khoá XI) đã giao chỉ tiêu. Đến nay đạt 33,5% số người tham gia bảo hiểm xã hội. Thứ hai, việc phát triển bảo hiểm tự nguyện có sự phát triển vượt bậc. Tính từ năm 2008 đến tháng 5/2018, phát triển bảo hiểm tự nguyện có số người tham gia 250 nghìn người. Nhưng trong hai năm qua, Việt Nam phát triển bảo hiểm tự nguyện sấp xỉ  1,3 triệu người. Như vậy, trong hai năm, việc phát triển bảo hiểm tự nguyện bằng gấp mấy lần 10 năm như đã so sánh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.  

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng băn khoăn, hiện nay còn mấy trăm ngàn doanh nghiệp, lao động trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội khó thu là khoảng 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ do khó khăn, khó đòi và khó thu hồi là khoảng 8.000 tỷ đồng.  

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, vừa rồi có chủ trương giao cho Công đoàn để khởi kiện nhưng không làm được, có những nguyên nhân sau: Thứ nhất, thông lệ quốc tế chưa có quốc gia nào giao cho Công đoàn đi khởi kiện. Thứ hai, trong pháp luật giao cho Công đoàn uỷ quyền của người lao động. Nhưng uỷ quyền mang tính chất cá nhân. Nhưng hoạt động của doanh nghiệp thì chỉ vài người không ủng hộ là không làm được. Mặt khác, phần đa cán bộ công đoàn cơ sở hưởng lương từ người chủ thì mấy ai đi kiện chính chủ của mình.

Theo Bộ trưởng, để Bảo hiểm xã hội phát triển tốt trong thời gian tới cần có những việc làm như sau: Thứ nhất, cần tuyên truyền thực chất để người dân hiểu ý nghĩa để tham gia; Giao chỉ tiêu cho Hội đồng nhân dân, Uỷ Ban nhân dân để triển khai thực hiện. Hiện nay, Nghị quyết của Chính phủ chỉ giao chỉ tiêu có tính chất cơ học do đó có nơi nào thấy quan tâm thì đầu tư. Tuy nhiên, nhưng khi giao chỉ tiêu thì tình hình khả quan hơn nhiều. Ví dụ, thời gian qua, có địa phương giao chỉ tiêu cho ngành bảo hiểm và ngành bưu điện rõ ràng có sự thay đổi. Điều cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh chính là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương với Bảo hiểm xã hội sẽ có tác động tốt cho sự phát triển ở vấn đề này. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu 3 đề xuất: Thời gian tới, Chính phủ cần phân cấp nhanh cho địa phương để quản lý; có yếu tố đánh giá lại về tỷ lệ người dân tộc thiểu số, miền núi và người nghèo. Bởi Nhà nước đầu tư ngân sách rất lớn cho đối tượng này nhưng mức độ hưởng thụ lại rất ít. Đây là bất hợp lý; Hiện nay cả nước có 11 triệu người cao tuổi nhưng còn 5% người già (tương đương 500 nghìn người) không có bảo hiểm y tế. Người già quan trọng nhất là bảo hiểm y tế. Do đó, “Tôi mạnh dạn đề nghị Chính phủ hỗ trợ số người già này”, Bộ trưởng nói. 

Lê Vân/Báo Tin tức
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột an sinh đối với người dân
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột an sinh đối với người dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) là những trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN