Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời chất vấn

Ngày 23/11, các đại biểu làm việc tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

100% kiến nghị của cử tri được các cơ quan trung ương giải quyết

Trước phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) công bố Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XII.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Theo báo cáo của UBTVQH, tại kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XII đã nhận được 2.282 ý kiến, kiến nghị của cử tri, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi phân loại, 1.591 kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan TW để nghiên cứu giải quyết. Tính đến ngày 26/9/2011, toàn bộ kiến nghị này đã được các cơ quan trả lời đầy đủ.

Báo cáo cho biết, đã tiến hành giám sát việc giải quyết một số vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, như tình trạng lạm thu các khoản đóng góp khác nhau ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh. Kết quả giám sát cho thấy, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng lạm thu tại các trường một phần do tại nhiều địa phương, ngân sách nhà nước cấp cho việc chi thường xuyên ở các cơ sở giáo dục địa phương còn hạn hẹp, phần lớn chỉ đủ chi trả lương cho giáo viên, dẫn đến nhiều trường phải thu thêm nhiều khoản ngoài học phí, lệ phí theo quy định.

UBTVQH cho rằng: Trong năm 2011, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, thứ 9, Quốc hội khóa XII. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà UBTVQH đã kiến nghị.

Tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: “Lệ phí sử dụng hạ tầng giao thông phải theo giá thị trường”


Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Trả lời các đại biểu Quốc hội về giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông (UTGT) tại các thành phố lớn, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận TNGT, UTGT đang là một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân, gây thiệt hại về người và của cho xã hội. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã ra nhiều chỉ thị, chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường giải pháp giảm TNGT, UTGT, nhưng vấn nạn này vẫn còn nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, TNGT gây thiệt mạng khoảng 12.000 người. Tình trạng UTGT xảy ra nhiều, đặc biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhằm giảm thiểu TNGT, UTGT, cần tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp, bao gồm cả các giải pháp trước mắt và lâu dài. Giải pháp mấu chốt là nâng cao chất lượng, hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Trước mắt, ngành sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông Bắc-Nam, nâng cấp quốc lộ 1A, tiếp tục đầu tư đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường vành đai biên giới, giao thông nông thôn, nghiên cứu đầu tư đường sắt khổ lớn, đường sắt tốc độ cao. Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu để khi có đủ điều kiện có thể xây dựng đường sắt cao tốc; tập trung đầu tư nâng cấp các cảng hàng không Nội Bài, Long Thành...; đầu tư xây dựng cảng biển đầu mối Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải, chuẩn bị các điều kiện cho việc xã hội hóa cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường thủy nội địa, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường sông đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; tập trung đầu tư đường kết nối để kết nối hệ thống giao thông.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, trong các nhóm giải pháp nhằm giảm TNGT, UTGT, đột phá là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trước hết là tăng cường tính nghiêm minh, cương quyết của người thực thi công vụ kết hợp với tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho nhân dân.

Trước mắt, cần triển khai ngay nhóm giải pháp đổi giờ làm việc, phân làn, phân luồng, giải phóng lòng đường, vỉa hè, xây dựng cầu vượt đường bộ nhẹ, tăng cường chế tài xử lý vi phạm, thực hiện thu phí, lệ phí phương tiện cá nhân. Phấn đấu giảm tai nạn giao thông 5 - 10%/năm và giải quyết các vụ UTGT tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 30 phút.

Đồng tình với giải pháp giảm thiểu TNGT và chống UTGT của Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Phân tích các vụ TNGT cho thấy 80% số vụ là do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Do đó, trước mắt, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục, làm cho mọi người phải ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và ứng xử một cách có văn hóa khi tham gia giao thông. Về lâu dài, kết cấu hạ tầng giao thông phải được tập trung đầu tư để hạn chế những điểm giao cắt là đầu nút, quy hoạch giao thông gắn liền với quy hoạch đô thị.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề vốn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, Bộ trưởng cho biết ngành giao thông vận tải đã xây dựng đề án đột phá chiến lược để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong 10 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông là trên 70 tỷ USD. Để thực hiện được chiến lược này, không thể chỉ trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước. Vốn ngân sách nhà nước chỉ dành cho đối ứng giải phóng mặt bằng, cũng như làm dự án giao thông mà các thành phần ngoài nhà nước không đầu tư.

Giải pháp đột phá về huy động nguồn lực được Bộ trưởng đưa ra là lấy hạ tầng nuôi hạ tầng, tức phí và lệ phí sử dụng hạ tầng giao thông hiện nay phải được tính chuyển đổi thành giá và phải thực hiện theo giá thị trường, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư cũng như có tiền để đầu tư tiếp các công trình. Với tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD, Nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 40%, còn lại là huy động từ nguồn vốn khác. Bên cạnh đó, cần có đột phá về cơ chế giải phóng mặt bằng, về tổ chức triển khai thi công, đặc biệt là phải sửa Luật Đấu thầu bởi theo Luật hiện nay sẽ không chọn được nhà thầu có đủ năng lực về tài chính và khả năng thi công.

Làm rõ hơn vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận đất dành cho giao thông ở những đô thị lớn là rất thấp, chỉ khoảng 8% quỹ đất đô thị. Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Trước mắt, Bộ kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng thêm các công trình cao tầng có nhiều người làm việc, nhiều người ở tại các quận nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhóm giải pháp dài hạn phải đặt mục tiêu 10 năm nữa cơ bản giải quyết được UTGT ở hai thành phố lớn này.

Liên quan đến nguồn lực để đáp ứng cho yêu cầu phát triển giao thông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh vấn đề đổi mới tư duy về giải quyết nguồn lực cho giao thông theo hướng giảm dần đầu tư công, mở ra những nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, vốn ngân sách chỉ làm vốn đối ứng để giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp đầu tư không lo được.

Thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: “Hạn chế lấy đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp”


Có tới 34 câu hỏi trực tiếp từ các đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 23/11 cho thấy tầm quan trọng cũng như sự quan tâm của cử tri cả nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng các viện nghiên cứu, hệ thống khuyến nông, thú y xa rời thực tế đời sống của người dân.

Về việc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận mặc dù đã cố gắng nhưng hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học còn nhiều yếu kém, đặc biệt là khâu phục vụ trực tiếp nhu cầu của nông dân. Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị phải đổi mới hoạt động sát hơn. “Tôi đã yêu cầu các đơn vị là đừng đem các báo cáo khoa học cho Bộ trưởng mà hãy đem đến bông lúa, trái cây có hàm lượng chất lượng, giá trị cao. Đó là đường hướng chúng tôi tiến hành”, Bộ trưởng nói.

Đánh giá về hiệu quả của trồng lúa vụ 3, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trước đây chỉ là vụ làm thêm. Nhưng gần đây khi rà soát tình trạng nguồn nước cũng như tính tới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nên Bộ chủ trương điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ ở ĐBSCL. Khuyến khích phát triển vụ 3 là vụ gieo cấy ở trên đồng bằng đang nhiều nước, thu hoạch vào cuối vụ mưa, đầu vụ khô. Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương chỉ làm vụ 3 khi có bờ bao kiên cố. Vụ thu đông vừa qua, trên tổng số hơn 640.000 ha, chỉ có 7.000 ha bị vỡ bờ và mất.

Trả lời về vấn đề bảo vệ đất lúa, Bộ trưởng Phát cho biết: Đây là vấn đề lớn, đất lúa giảm có nhiều yếu tố, cả tự nhiên và con người. Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạn chế mức tối thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế lấy đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, cây lúa là lợi thế của nước ta, đem lại lợi ích cho người nông dân trồng lúa, không dễ gì tìm được cây khác hiệu quả hơn, đây là sự sàng lọc của lịch sử. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng lúa nước tốt nhất thế giới, không phải ngẫu nhiên mà ta là nước thứ 2 về xuất khẩu gạo dù diện tích nhỏ.

Việc phát triển khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, quy hoạch vùng sản xuất lớn và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cũng được các đại biểu lưu tâm. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành chính sách ưu tiên cho các thành phần đầu tư vào đây nên đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa. Trong liên kết 4 nhà thì doanh nghiệp phải là đầu tàu. Bộ sẽ rà soát lại và trong tháng 12 sẽ đệ trình lên Chính phủ đề xuất mới từng thành phần tham gia mối liên kết này. Chúng ta không thể thành công nếu mạnh tỉnh nào tỉnh đó phát triển.

Xung quanh nội dung chất vấn liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Rừng chỉ phát triển bền vững khi nó mang lại lợi ích chính cho người làm nghề rừng. Do vậy, giải pháp cơ bản nhất là đẩy mạnh giao đất giao rừng cho nông dân. Hiện nay, trong 16 triệu ha chúng ta mới chỉ giao 3 triệu ha rừng cho nông dân. Sắp tới sẽ nâng diện tích này lên mức cao hơn. Bên cạnh đó cũng sẽ hỗ trợ cho người trồng rừng.

Cũng trong phiên trả lời chất vấn này, các bộ trưởng: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung thêm một số nội dung liên quan tới tổng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; một số giải pháp bảo vệ đất lúa, ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; các dự án cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng…

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Bộ trưởng Cao Đức Phát và 4 bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, nghiêm túc và thấy được những vấn đề tồn tại cũng như đưa ra được nhiều giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện nền nông nghiệp nước nhà. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhiều năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã tăng cao đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Đây là điều rất đáng mừng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hy vọng cuộc trả lời chất vấn hôm nay và các ý kiến của các bộ trưởng đưa ra cũng như cam kết thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên trình độ cao hơn.

Nhóm PV

>>Bên lề Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng): Bộ trưởng Đinh La Thăng khái quát rõ được những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra

Qua trả lời chất vấn, tôi thấy là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã trả lời khá đầy đủ, khái quát rõ được những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra. Và trước đó, bản thân Bộ trưởng cũng đã đưa ra được giải pháp kiên quyết, mang tính đột phá để giảm thiểu ùn tắc giao thông đô thị, vốn luôn diễn ra vào giờ cao điểm, đó là việc thay đổi giờ làm việc và giờ học… Đó cũng chính là giải pháp mang tính quản lý nhà nước thể hiện trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Thực trạng xử lý chưa nghiêm đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông mà Bộ trưởng đưa ra cũng rất đúng, vì thực thi pháp luật còn có sự tham gia của các lực lượng khác như công an, thanh tra… Vì thế, trong thời gian tới, theo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông Vận tải là cần sự vào cuộc kiên quyết của các ngành, địa phương và các lực lượng liên quan, là điều cũng rất đúng đắn, nếu không nói là cấp thiết, góp phần buộc người tham gia giao thông phải có ý thức chấp hành qui định về an toàn giao thông…

Phương Mai (ghi)

>>Ý kiến cử tri

Câu hỏi thẳng thắn, trả lời không né tránh

Trực tiếp theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn qua truyền hình, cử tri Nguyễn Văn Tý, cán bộ hưu trí ở tổ 32, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) nêu ý kiến: “Tôi rất vui mừng vì vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, trước khi tiến hành chất vấn các bộ trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo cụ thể về tình hình giải quyết kiến nghị cử tri giữa các kỳ họp, được cử tri rất quan tâm, thể hiện được tính dân chủ, công khai trong Quốc hội. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 23/11, tôi thấy các câu hỏi của các đại biểu tương đối rõ ý và đi đến cùng của vấn đề. Phần trả lời của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng mặc dù nhiều chỗ còn hơi dài dòng, nhưng trong nhiều vấn đề Bộ trưởng trả lời đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm, không đùn đẩy, tránh né”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, 64 tuổi, nguyên bộ đội công binh cầu đường đã nghỉ hưu tại đường Trần Tử Bình, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) bày tỏ sự đồng tình với việc các đại biểu Quốc hội chất vấn thẳng thắn Bộ trưởng Đinh La Thăng về các vấn đề “nổi cộm” của ngành giao thông vận tải. Ông Huỳnh cũng băn khoăn về công tác tổ chức bán vé tàu Tết Bắc - Nam, đề nghị ngành giao thông vận tải cần kiểm tra, chấn chỉnh để người dân được phục vụ tốt hơn.

Cử tri Nguyễn Như Ý, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nhận xét, trả lời về vấn đề giải quyết mùa vụ cho cây lúa, cho thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát là người biết lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. “Những giải pháp cho nông nghiệp, nông thôn của Bộ trưởng đưa ra giúp chúng tôi thấy thêm yên tâm”, ông Ý cho biết.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN