Sáng 27/12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Vẫn tiếp nối truyền thống
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, sự kiện hôm nay của ngành LĐ-TB&XH mang nhiều cung bậc cảm xúc.
Theo Phó Thủ tướng, triển khai công tác chăm sóc người có công là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tâm thế tri ân, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Còn với thị trường lao động, đào tạo nghề là thực hiện đúc kết của cha ông “nghệ phải tinh". Về chính sách an sinh xã hội, ngành LĐ-TB&XH quan tâm đến những công dân thiệt thòi nhất trong xã hội, giúp họ được thụ hưởng chính sách tốt nhất.
Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 sự kiện phải triển khai cùng lúc: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; duy trì, tăng trưởng kinh tế trên 7% tạo đà cho những năm sau.
Ngoài ra, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực mà Bộ LĐ-TB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm... hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn, phục vụ nhu cầu của đất nước.
“Với tinh thần như vậy, đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc bố trí. Vì các chính sách đã và đang làm, đặc biệt thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới. Chúng ta phải cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại để không có sự gián đoạn, dù ở cơ quan, tổ chức nào”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, nhìn lại năm 2024 và chặng đường gần 79 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng. Ngành ý thức sâu sắc trách nhiệm, các nhiệm vụ xuyên suốt luôn là việc làm, an sinh xã hội để phát triển đến nay. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, có những giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhưng ngành LĐ-TB&XH luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm.
Theo Bộ trưởng, những công việc mà ngành đạt được trong thời gian qua, đặc biệt những vấn đề mang tính thể chế; những chính sách ngành đã tham mưu đặt nền móng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nghị quyết 42 về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ “ổn định và đảm bảo” sang “ổn định và phát triển”.
Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực
Trong năm 2024, thể chế thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, góp phần phục hồi nhanh kinh tế xã hội.
Cùng với đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường lao động trên toàn quốc, đặc biệt là tình hình thiếu hụt lao động tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn, để kịp thời có giải pháp cung ứng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Các giải pháp kết nối cung - cầu, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm,. được đẩy mạnh. Các phiên giao dịch việc làm, giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm được chú trọng. Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm được sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu quả hoạt động...
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, ước tính cả năm, đã đưa được khoảng 150.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch.
Ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%.
An sinh xã hội đảm bảo
Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ cũng kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng (theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7%).
Các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 16/12/2024, Bộ đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1,074 triệu người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Chương trình đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và số kinh phí đã huy động được tại Chương trình trên 5.000 tỷ đồng.
Phấn đấu đến hết năm 2025 xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26% (giảm khoảng 5%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5% (giảm trên 3%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 1 huyện nghèo thoát nghèo.
Mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhưng Bộ vẫn dành ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP, Nghị định số 110/2024/NĐ-CP. Hiện nay, cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người, với tổng ngân sách chi trả trợ cấp xã hội khoảng 32.000 tỷ đồng/năm.
Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng về đối tượng, tăng mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Quy trình và công tác xác định đối tượng được hoàn thiện, tổ chức triển khai minh bạch, có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân.