Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đại hóa cải cách hành chính

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện đại hóa hành chính là một trong những yếu tố tiên quyết trong công tác cải cách hành chính. Theo đó, Bộ luôn chú trọng thực hiện chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: mpi.gov.vn

Cụ thể, Bộ đã xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là hệ thống cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần minh bạch hóa thông tin về đăng ký doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 17 dự án Luật, với nhiều cơ chế, chính sách then chốt có tính chất tiên phong, định hướng.

Về cải cách thủ tục hành chính, hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tốt các hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, năm 2020, Bộ đã tham mưu xây dựng, soạn thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Dầu tư với nhiều cải cách mạnh mẽ.

Luật Đầu tư năm 2020 đã bãi bỏ 16 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, khoảng 400 điều kiện kinh doanh tương ứng với 23 ngành, nghề này đã được cắt giảm. Căn cứ danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được điều chỉnh tại Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, rà soát và trình Chính phủ danh mục các điều kiện kinh doanh cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa. Trong đó có các điều kiện kinh doanh liên quan tới một số ngành nghề như: kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; kinh doanh dịch vụ bưu chính; hoạt động của nhà xuất bản; kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; các quy định về chứng chỉ…

Không những thế, Luật Doanh nghiệp năm 2020 bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn cần thiết, gồm: thủ tục thông báo mẫu dấu; đồng thời, quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, thủ tục xin phép cơ quan đăng ký kinh doanh để ra hạn họp đại hội đồng cổ đông thường niên...

Bên cạnh đó, để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới một dịch vụ hành chính công hiện đại, Hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành. Hệ thống này đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt cải cách hành chính trong thời tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đổi mới thể chế về sở hữu; rà soát hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Thúy Hiền (TTXVN)
Cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh
Cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 diễn ra vào chiều 18/3, nhiều ý kiến tham luận đã được nêu ra nhằm thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN