Nội dung dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 -2025 đã nhận được sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến nghiêm túc của các nguyên lãnh đạo, cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Dự thảo xác định trọng tâm là phát triển ba trụ cột, là những lĩnh vực quan trọng, xây dựng tỉnh Bình Thuận phát triển về mọi mặt, tạo thế đi lên vững chắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Những trụ cột xác định làm nòng cốt cho sự phát triển của tỉnh Bình Thuận dựa trên các nguồn lực của tỉnh và quá trình kêu gọi thu hút đầu tư trong thời gian qua. Trụ cột thứ nhất Bình Thuận tập trung phát triển trong giai đoạn 2020-2025 là công nghiệp (năng lượng, chế biến). Tỉnh triển khai thực hiện tốt Kế hoạch hành động thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương, Đề án trung tâm năng lượng theo hướng phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, mặt nước, quy hoạch đường truyền tải, vấn đề môi trường... để thúc đẩy ngành Công nghiệp năng lượng phát triển, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí. Bình Thuận chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế.
Biển Mũi Né (Bình Thuận) luôn thu hút đông đảo du khách đến nghỉ dưỡng và chơi các môn thể thao trên biển. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN
Trụ cột thứ hai được tỉnh xác định là du lịch biển, thể thao biển. Bình Thuận tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án “Xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia”, trong đó lấy khu vực Hàm Tiến, Mũi Né và phụ cận làm nơi lan tỏa. Địa phương cũng tập trung phát triển mạnh các loại hình du lịch biển, thể thao biển, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, xây dựng và hình thành mạng lưới các điểm đến du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục mở rộng liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đẳng cấp cao. Tỉnh thu hút đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, nhất là các dịch vụ kinh doanh hỗ trợ du lịch vào ban đêm, giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”, trở thành điểm đến hàng đầu khu vực.
Trụ cột thứ ba là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả. Các địa phương, đơn vị tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường…
Bên cạnh 3 trụ cột quan trọng, tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong chồng lấn các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng cho các công trình do Bộ, ngành Trung ương đầu tư. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư giao thông liên vùng như: sớm hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), mở rộng Quốc lộ 28B, Quốc lộ 55; đầu tư hoàn chỉnh Cảng hàng không Phan Thiết...; tạo ra hành lang kinh tế Đông -Tây kết nối với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; đầu tư các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, hạ tầng thủy lợi, đê, kè phục vụ phòng, chống hạn, ứng phó với biến đổi khí hậu và những công trình bức xúc, cấp bách khác.
Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết tâm tận dụng tốt thời cơ; huy động hợp lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương; chủ động liên kết vùng và hội nhập quốc tế; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xây dựng tỉnh Bình Thuận phát triển về mọi mặt, tạo thế đi lên vững chắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.