Dự Hội nghị còn có hơn 100 đại biểu đại diện cho cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn huyện.
Trong không khí thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, đại diện cấp ủy, nhân dân huyện Phú Lương đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên về một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng hệ thống chính trị; việc quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; phát triển văn hóa, thông tin, giao thông, thủy lợi; việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn…
Sau khi nghe phản ánh của đại diện các xã, các hợp tác xã, người dân trên địa bàn huyện, đại diện các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã giải đáp kịp thời về một số vấn đề, vướng mắc trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Với cương vị người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao ý kiến, kiến nghị của các đại biểu đã thẳng thắn nêu lên những nguyện vọng, mong muốn, khó khăn ở cơ sở, từ đó giúp lãnh đạo địa phương nắm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn để sớm giải quyết theo thẩm quyền. Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Lương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, đảng viên, nhân dân; báo cáo kết quả với Thường trực Tỉnh ủy theo quy định.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên, nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến tham vấn của nhân dân, nhất là những vấn đề vướng mắc, khó khăn, những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, được báo chí phản ánh liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó làm tốt việc giám sát việc thực hiện những kết luận sau tiếp xúc, đối thoại… - Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ.
Theo báo cáo của Huyện ủy Phú Lương, từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của thời tiết nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp điều hành chính quyền, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, góp phần ổn định xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trên địa bàn. Đến hết tháng 8/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện ước đạt hơn 52 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho hơn 800 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 5,39%; hộ cận nghèo còn 4,46%. Toàn huyện có 46/53 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 86,8%; 84% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…
Tuy vậy, hiện Phú Lương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Việc duy trì kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới còn thiếu bền vững. Sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị còn chiếm tỷ lệ thấp. Tiến độ triển khai một số công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách còn chậm so với kế hoạch. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt, học tập Nghị quyết ở một số tổ chức cơ sở Đảng chất lượng chưa cao, còn biểu hiện hình thức...