Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; các thành viên trong Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng; đại diện một số đơn vị thuộc UBND thành phố Hà Nội; đại diện các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: Triển khai thực hiện khâu đột phá về phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020". Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét; có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng bộ mặt thành phố Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại, xứng đáng với vị thế là Thủ đô của cả nước.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu, tốc độ phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô như: Công tác quy hoạch chưa đảm bảo tính dự báo; một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi, do đó còn phải điều chỉnh cục bộ. Bên cạnh đó, một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của Thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra, chưa phủ kín các quy hoạch phân khu, nhất là quy hoạch phân khu sông Hồng. Việc phát triển các đô thị vệ tinh cũng chưa đạt tiến độ; mới chú trọng và xây dựng, phát triển đô thị ở nội đô, phía Bắc và phía Tây, còn phía Nam và vùng nông thôn chưa được chú trọng nhiều. Công tác quản lý xây dựng trên địa bàn nhiều nơi chưa được quan tâm, chưa chú trọng đến công tác chỉnh trang đô thị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ đất dành cho giao thông, kiểm soát và xử lý nước thải của thành phố Hà Nội chưa đạt kế hoạch. Khâu đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn còn có những khó khăn, thách thức. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như các công trình giao thông, các nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên... còn chậm. Chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô chưa có nhiều chuyển biến, kinh tế đô thị chưa được quan tâm đầu tư và phát triển chưa tương xứng. Từ thực tiễn đó, dự thảo Văn kiện Đại hội XVII tới của Đảng bộ Thành phố Hà Nội xác định, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa và phát triển 8 Chương trình công tác nhiệm kỳ 2015-2020, có sửa đổi và bổ sung thêm một chương trình công tác lớn là "Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025".
Theo Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trên cơ sở các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương và để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, thành phố đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng (tỷ lệ phủ kín quy hoạch đạt 83%); 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị với tổng diện tích khoảng 14.116,3 ha; đã và đang xây dựng 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị (5 quy chế đặc thù, 13 quy chế quận, thị xã và 14 quy chế thị trấn). Diện mạo Thủ đô ngày càng được cải thiện, khang trang, hiện đại hơn.
Về công tác quản lý, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, thành phố đã chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thu hút hiệu quả đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở mới với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại như: An Khánh, Mỹ Đình, Văn Quán, Mỗ Lao, VinCity Sportia, Việt Hưng, VinHome River Side, VinCity Ocean Park, Linh Đàm, Garmuda; Ciputra,… Đồng thời, thành phố đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án đang triển khai: Công viên Kim Quy, Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh.
Thành phố Hà Nội hiện có trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nâng diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2019 đạt 27,09 m2/người, dự kiến hết năm 2020 đạt 27,25 m2/người.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã nêu một số tồn tại, bất cập mà Hà Nội cần lưu ý. Theo đó, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần triển khai thực hiện quy hoạch khu Bắc Sông Hồng một cách khoa học, hợp lý. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có kế hoạch rà soát lại hệ thống kênh mương, ao hồ để chống ngập úng và cần chấm dứt việc lấp ao hồ, vì thời gian qua có tới 60% ao hồ bị lấp.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ xây dựng từ năm 1960-1992. Những chung cư này xuống cấp khá nghiêm trọng, vì vậy, Hà Nội cần đánh giá thực trạng và đưa ra phương hướng quy hoạch, tái định cư và các giải pháp cụ thể để khắc phục.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thông qua buổi làm việc này, hai bên sẽ ký biên bản ghi nhớ nhằm sớm giải quyết, tháo gỡ một số vấn đề trong phát triển Thủ đô.
Đề cập đến mô hình phát triển đô thị 10 năm qua là mô hình chùm đô thị với đô thị lõi và các đô thị vệ tinh hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, điều này đã "bó" Hà Nội trong tư duy phát triển, làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất và nguồn lực. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do tổ chức đô thị chưa hợp lý dẫn đến xung đột, ùn tắc giao thông.
Về vấn đề nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng còn tồn tại rất lớn, đặc biệt là tại Hà Nội còn 0,9% nhà ở thuộc diện đơn sơ, bán kiên cố. Do đó trong nhiệm kỳ tới, thành phố cần hướng đến xóa sạch nhà ở đơn sơ song hành phát triển thêm nhà ở xã hội. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, vấn đề quy hoạch về chiều cao các công trình đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu, tìm giải pháp sao cho linh hoạt, hợp lý.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội cần tập trung bám sát các Nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, kinh tế đô thị để xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng cơ quan.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố phối hợp với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng tập trung đẩy mạnh thực hiện 6 nội dung gồm: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; đẩy mạnh việc phát triển các khu đô thị văn minh hiện đại, các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tập trung, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở của người dân; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị; tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp các công viên, vườn hoa, sân chơi; tăng cường công tác quản lý, kiểm định, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố; tăng cường việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.