Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà máy nước mặt sông Đuống, bà Đỗ Thị Kim Liên cho biết, dự án được khởi công vào tháng 3/2017, với tổng nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng, đảm bảo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án gồm hai hợp phần chính là công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha. Dự án này hoàn thành cung cấp nước sạch cho các quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, vượt kế hoạch 1 năm, đạt công suất 300 nghìn m3/ngày đêm. Đến nay, dự án đã vượt kế hoạch 1 năm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ được mở rộng và phát triển công suất đến năm 2023 đạt 600.000m3/ ngày đêm, đến 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, tầm nhìn 2050 đến 1.200.000m3/ ngày đêm.
Nhà máy nước mặt sông Đuống khai thác nguồn nước thô từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng ổn định, bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển, nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050 và trong tương lai.
Dự án áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới, tiết kiệm chi phí xây dựng, chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường. Chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước uống trực tiếp tại vòi. Đặc biệt, tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, được điều khiển thông qua trung tâm điều khiển đặt tại nhà máy.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã biểu dương dự án về việc xây dựng vượt tiến độ, đảm bảo đúng quy hoạch, tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền và coi dự án là điển hình trong việc đầu tư vốn ngoài ngân sách, chỉ có 15 tháng đã hoàn thành thi công giai đoạn 1, đảm bảo cấp nước sạch cho người dân Thủ đô.
Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, nguồn nước sạch từ nhà máy nước mặt sông Đuống đã đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành, do vậy các sở, ngành của thành phố cần tập trung quy hoạch mạng lưới cấp nước thật tốt, để trong quá trình vận hành, phân phối tiết kiệm, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Đặc biệt, đối với những địa phương trên địa bàn trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải tính đến quy hoạch và xây dựng nhanh mạng lưới nước sạch, để nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Nhìn nhận về việc khai thác nguồn nước ngầm gây sụt lún, không đảm bảo chất lượng nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, thời gian tới đây thành phố sẽ giảm dần việc khai thác nước ngầm trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện nội dung trên, thành phố triển khai theo hướng, đầu tư mạng lưới đến đâu thì đóng cửa dần các giếng ngầm đến đó. Song để nguồn nước mặt được đảm bảo, phục vụ việc sản xuất nước sạch, ông Hoàng Trung Hải yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng các sở, ngành địa phương liên quan, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp không xả thải ô nhiễm môi trường xuống hai bên sông Đuống; cần xử phạt thật nghiêm các hành vi xả thải trái phép ra sông.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, đã thị sát, kiểm tra một số khu vực sản xuất, xử lý nước sạch và công trường xây dựng giai đoạn 2 của Nhà máy nước mặt sông Đuống, đảm bảo năm 2019 sẽ nâng công suất lên 300 nghìn m3/ngày đêm.
Nhu cầu sử dụng nước sạch của toàn thành phố Hà Nội là rất lớn với khoảng 3 triệu m3/ngày đêm và tiếp tục tăng trong trong những năm tiếp theo. Vào thời điểm mùa hè nắng nóng, một số khu vực của Hà Nội phải đối mặt với việc thiếu nước sạch dẫn đến một số nơi phải sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành.