Theo phóng viên TTXVN tai Brussels, tại các cuộc hội kiến lãnh đạo Quốc hội Bỉ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn mong muốn tăng cường toàn diện quan hệ hữu nghị và hợp tác với Bỉ; đánh giá cao sự quan tâm của Quốc hội và Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Bỉ - Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Quốc hội Việt Nam; hoan nghênh Nghị viện Bỉ đã thông qua Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ và hỗ trợ của Bỉ đối với việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Nghị viện Liên bang Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư; thúc đẩy Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Chủ tịch Thượng viện Bỉ sau chuyến thăm Việt Nam vừa qua và chuyển lời mời Chủ tịch Hạ viện Bỉ sớm thăm Việt Nam.
Về phần mình, Chủ tịch Thượng viện Bỉ Stephanie D’Hose đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, là chuyến thăm cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên giữa hai nước trong 12 năm qua và trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp vào năm 2023. Chủ tịch Thượng viện Bỉ bày tỏ ấn tượng với sự phát triển năng động của Việt Nam và những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Bỉ và Việt Nam thời gian qua; nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam tháng 8/2023, nhấn mạnh “Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi”; nhất trí sớm ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Liên bang Bỉ; hoan nghênh hợp tác giữa Nghị viện Bỉ và Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới. Chủ tịch Thượng viện Bỉ khẳng định Bỉ sớm có các dự án hỗ trợ Việt Nam tẩy rửa chất độc da cam, ủng hộ Nghị viện Châu Âu (EP) sớm có Nghị quyết và hành động hỗ trợ Việt Nam.
Trong hội kiến Chủ tịch Hạ viện Bỉ, Eliane Tillieux, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Hạ viện Bỉ là cơ quan lập pháp đầu tiên trên thế giới thông qua Nghị quyết kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, qua đó góp phần thúc đẩy sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc khắc phục các hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Chủ tịch Hạ viện Bỉ nhấn mạnh quan hệ hữu nghị và sự gắn bó giữa nhân dân hai nước, tin tưởng chuyến thăm Bỉ lần này của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ góp phần đưa hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Bỉ đi vào chiều sâu, thiết thực; cho biết sẽ thúc đẩy hai cơ quan lập pháp còn lại của Bỉ sớm phê chuẩn EVIPA. Bà Eliane Tillieux khẳng định việc Hạ viện Bỉ thông qua Nghị quyết kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam là thông điệp mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc da cam; đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm của Bỉ tham gia thực hiện các dự án tẩy độc ở Việt Nam nhằm triển khai Nghị quyết này.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, nhất là giữa các Ủy ban Quốc hội hai nước để trao đổi thông tin, kinh nghiệm trên các lĩnh vực lập pháp và giám sát các chủ đề cùng quan tâm; tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương; tiếp tục làm sâu sắc khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và giao lưu nhân dân.
Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Các vấn đề châu Âu, Ngoại thương và Tổ chức Văn hóa Bỉ Hadja Lahbib, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Bỉ, một đối tác quan trọng trong EU và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam – Bỉ, nhất là khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp.
Bày tỏ sự coi trọng vị thế và vai trò đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Hadja Lahbib đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn; nhấn mạnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt giữa hai nước nhất là về chính trị - ngoại giao và kinh tế - thương mại.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, mong muốn phối hợp chặt chẽ đưa hợp tác hai nước lên tầm cao mới. Về chính trị - ngoại giao, hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy các tiếp xúc, trao đổi đoàn giữa hai bên, nhất là Lãnh đạo cấp cao trên các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò tích cực của Bỉ trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2024, đề nghị Bỉ phối hợp chặt chẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU và khẳng định sẵn sàng đóng vai trò kết nối Bỉ với ASEAN và các nước Đông Nam Á.
Đánh giá hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Bỉ, hai Bộ trưởng hoan nghênh các doanh nghiệp hai bên đang đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ cao, chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng…; mong muốn hai nước tận dụng tốt các cơ hội do Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bỉ sớm thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, thúc đẩy Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam để tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai bên.
Về phần mình, Bộ trưởng Hadja Lahbib khẳng định nông nghiệp là trụ cột hợp tác giữa hai nước; cho biết sẽ xem xét xây dựng chương trình hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các vùng của Bỉ. Bỉ có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Hadja Lahbib cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bỉ mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng.
Hai Bộ trưởng nhất trí sẽ có các dự án hợp tác triển khai Nghị quyết của Hạ viện nhằm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là tẩy độc các khu vực bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và hỗ trợ các nạn nhân.
Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thúc đẩy khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN – EU.