“Tất cả những kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu đều được chúng tôi sử dụng cho bệnh nhân 91, có những phác đồ điều trị, những loại thuốc chưa bao giờ sử dụng tại Việt Nam cũng đều được chúng tôi áp dụng để cứu sống bệnh nhân này”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Những “biệt đội” giải cứu bệnh nhân 91
Sau khi bệnh tình của bệnh nhân 91 trở nặng một cách bất thường, những “biệt đội”, “nhóm” giải cứu mang tên “91 group” được thành lập trên Zalo để các y, bác sỹ cùng nhau hội chẩn, trao đổi, thông tin về diễn tiến bệnh của bệnh nhân này. Nếu như tại Khoa điều trị có những nhóm nhỏ gồm các y, bác sỹ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân thì ở tầm lớn hơn là các nhóm chuyên gia hàng đầu của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo - một trong những thành viên trong “biệt đội” giải cứu bệnh nhân 91 từ những ngày đầu tiên, tâm sự: Các chuyên gia đã làm việc không kể ngày đêm, tranh luận rất nhiều trên các nhóm, đưa ra các phương án để cứu sống bệnh nhân này. “Có những đêm chúng tôi thức trắng, cân não để quyết định sử dụng loại thuốc nào, phương án điều trị nào. Có khi rơi vào tình huống khẩn cấp, không kịp xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế mà phải xử trí ngay để bảo tồn tính mạng cho bệnh nhân. Chúng tôi hay nói với nhau là mình đang “đi xiếc trên dây”, vô cùng áp lực và căng thẳng”, bác sỹ Thảo cho biết.
Đó là những thời điểm vô cùng khó khăn, gần như tuyệt vọng khi cơ hội sống của bệnh nhân tưởng như không còn, nhất là vào thời điểm phổi của bệnh nhân hoàn toàn đông đặc, chỉ còn thông khí được khoảng 10%. Cùng với đó là các biến cố xảy ra liên tục, thậm chí có những ngày có đến 3-4 biến cố xảy ra khiến các bác sỹ phải tìm mọi cách ứng biến. “Có những ngày màng ECMO đông liên tục, trong 57 ngày chạy ECMO chúng tôi phải thay đến 7 màng lọc, đây là điều quá đặc biệt, chưa từng ghi nhận trong y văn thế giới”, bác sỹ Thảo chia sẻ.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh), cũng đã có 65 ngày đêm cùng với các đồng nghiệp của mình “vật lộn” với bệnh nhân 91. Theo ông, bệnh nhân 91 là ca bệnh đặc biệt nhất mà trong suốt hơn 20 năm hành nghề ông mới gặp một lần. Những ngày đầu điều trị, các biến chứng, sự cố liên tục dồn đến khiến ông và các chuyên gia cũng liên tục “thót tim”, nhất là khi “cơn bão cytokine" tấn công ồ ạt. Ông cũng không quên được những tranh cãi “nảy lửa” và giây phút căng thẳng khi các bác sỹ phải quyết định đưa một loại thuốc mới, một phương án điều trị mới áp dụng cho bệnh nhân 91.
Còn bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, kể từ khi bệnh nhân 91 được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là khoảng thời gian đau đầu nhất đối với đội ngũ y, bác sỹ ở đây. Ê kíp nhân viên y tế phụ trách vận chuyển đã rất căng thẳng bởi dù quãng đường di chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về Bệnh viện Chợ Rẫy không quá xa. Tuy nhiên, do bệnh nhân đang phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, máy thở với một hệ thống dây dợ lằng nhằng nên đòi hỏi sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. “Chúng tôi phải có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau trong quá trình chuyển bệnh bởi chỉ cần một sơ suất thì bệnh nhân cũng có thể ngưng tim ngay trên đường đi”, bác sỹ Linh nhớ lại.
Sau đó, những diễn biến tiếp theo của bệnh nhân cũng khiến cho tâm trạng của các y, bác sỹ trồi sụt, lên xuống thất thường. Bác sỹ Linh kể: “Đôi khi nhịp tim của bệnh nhân rớt xuống thẳng đứng thì cũng là lúc tim của chúng tôi cũng muốn rớt theo vì lo lắng, hồi hộp”.
Tự hào những thầy thuốc Việt Nam
Dốc toàn lực là cụm từ mà Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo nói về quá trình điều trị cho bệnh nhân 91. Sau 115 ngày với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, Tiểu Ban điều trị, đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành công trong việc giành giật bệnh nhân 91 trở về từ ngưỡng cửa tử thần.
Khi trái tim của bệnh nhân 91 hồi phục cũng là lúc hơn 90 triệu trái tim Việt Nam cùng vui mừng. Với riêng đội ngũ y, bác sỹ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân 91, việc phi công người Anh có thể khỏe mạnh bước ra từ ngưỡng cửa tử thần thì không niềm vui nào có thể tả xiết. Họ nở nụ cười mãn nguyện vì trước đó họ đã không quản ngại mọi gian nan, thử thách để cứu sống bệnh nhân 91. Đó là những người tình nguyện tham gia vào các “biệt đội” giải cứu bệnh nhân, là những điều dưỡng trẻ suốt cả tháng trời không về nhà, hay là vị bác sỹ trẻ phải hoãn đám cưới do những ca trực thâu đêm.
Bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), người trực tiếp chăm sóc điều trị cho bệnh nhân 91, cho biết, hằng ngày ông và các y, bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục động viên bệnh nhân mạnh mẽ hơn để quay trở về quê nhà, về với những chuyến bay làm chủ bầu trời. Chính tay ông cũng nhiều lần cạo râu cho bệnh nhân, tâm tình, coi bệnh nhân 91 như một người bạn tâm giao.
Lặng lẽ đứng một góc chứng kiến bệnh nhân 91 khỏe mạnh trong ngày xuất viện, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) chỉ thốt lên được hai từ “hạnh phúc”. Từng chứng kiến thời điểm bệnh nhân cận kề với cái chết nên bác sỹ Phong càng thấu hiểu hơn giá trị của giây phút bệnh nhân được xuất viện về nhà. “Với bác sỹ điều trị chúng tôi, hạnh phúc nhất là được đồng hành cùng bệnh nhân ở thời khắc khó khăn nhất, đưa họ trở lại cuộc sống bình thường. Dù sau này không còn điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91 nhưng tôi vẫn luôn cầu mong cho bệnh nhân khỏe mạnh trở lại và anh đã trở lại đúng như kỳ vọng”, bác sỹ Phong chia sẻ.
Không chỉ các y, bác sỹ mà những người Việt Nam chăng hề liên quan cũng không khỏi vui và tự hào về trường hợp của bệnh nhân 91. Thời điểm thông tin bệnh nhân 91 trở nặng, nguy kịch liên tục xuất hiện trên mặt báo cũng là lúc người dân Việt Nam hướng về bệnh nhân này và cùng cầu nguyện cho một phép màu kỳ diệu xảy ra. Đến khi phương án ghép phổi được đưa ra cũng là lúc "tinh thần Việt Nam" trỗi dậy. Đã có 59 người trên khắp cả nước đăng ký hiến một phần lá phổi của mình để cứu sống bệnh nhân 91- một con người xa lạ. Ông Trần Mạnh Hào, trú tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, xúc động kể lại: Có lẽ sau 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tinh thần Việt Nam lên cao như thế. Kẻ thù không thể quật ngã chúng ta, đại dịch không thể quật ngã chúng ta bởi trái tim của người Việt Nam luôn tràn đầy nhân nghĩa”.
Trầm mặc hơn khi nói về những chiến công của ngành y tế đối với trường hợp bệnh nhân 91, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo thẳng thắn chia sẻ, những áp lực trong quá trình điều trị cho bệnh nhân 91 là vô cùng nặng nề nhưng đó không phải là áp lực từ dư luận, từ truyền thông quốc tế mà là áp lực trước một sinh mệnh con người. Bà tâm sự: “Khi làm nghề, chúng tôi dường như không để tâm đến những áp lực bên ngoài, chúng tôi chỉ làm theo chuyên môn, tìm hết mọi cách để cứu sống bệnh nhân, dù bệnh nhân 91 là người Việt Nam hay bất cứ người ngoại quốc nào thì chúng tôi cũng sẽ dốc toàn lực”.
“Cảm ơn các y, bác sỹ Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam!”
Những ngày cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 hoàn toàn khỏe mạnh với chế độ sinh hoạt bình thường và vẫn nỗ lực tập vật lý trị liệu để phục hồi hoàn toàn. Bác sỹ Trần Thanh Linh, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kể rằng khi được hỏi về dự định quay trở lại bầu trời khi khỏi bệnh, bệnh nhân 91 đã chia sẻ, chắc chắn anh sẽ bay trở lại. Và ước muốn lớn nhất của bệnh nhân 91 là trong chuyến bay đầu tiên sau khi khỏi bệnh, anh sẽ đưa các y, bác sỹ đã cứu sống mình bay một vòng quanh thế giới như một lời cảm ơn đến những người đã cứu anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Trong ngày bệnh nhân 91 xuất viện, ông Lưu Hoàng Minh, Phó Trưởng Đoàn bay 919 (Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam), vui mừng chia sẻ, ông và các đồng nghiệp của mình từng nghĩ đến phương án xấu nhất khi có tin từ các y, bác sỹ rằng bệnh nhân 91 liên tục rơi vào tình trạng xấu. Thế nhưng điều kỳ diệu mà không ai ngờ tới chính là bện nhân 91 đã là bình phục trở lại. Tối 11/7, các phi công của Đoàn bay 919 sẽ đưa bệnh nhân 91 trở về quê nhà trên chính chiếc máy bay Boeing 787 – chiếc máy bay mà anh từng cầm lái.
“Với phi công chúng tôi, máy bay được coi như ngôi nhà thứ hai, việc được trở về quê nhà sau khi xuất viện cùng với các đồng nghiệp trên chính chiếc máy bay mình từng cầm lái sẽ là động lực để anh tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ quay trở lại bầu trời trong tương lai”, ông Lưu Hoàng Minh bộc bạch.
Câu chuyện về bệnh nhân mắc COVID -19 mang số 91 tại Việt Nam đã dần khép lại với cái kết viên mãn đến thời điểm ngày 11/7, khi bệnh nhân được xuất viện, trở về nước Anh trên chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Một hành trình dài với anh đang ở phía trước, nhưng chắc hẳn anh không cô đơn khi chuyến bay còn có tình cảm của hàng triệu con người Việt Nam luôn bên anh – họ là những người đã luôn theo dõi, cầu nguyện cho anh mỗi ngày khi anh nằm viện điều trị, quan tâm đến anh như một người thân của mình, thậm chí có thể hiến một phần cơ thể để anh được sống.
“Cảm ơn các y, bác sỹ Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam!” là câu nói cuối cùng của bệnh nhân 91 trước khi rời khỏi Bệnh viện Chợ Rẫy trở về quê nhà. Có lẽ, trong suốt quãng đời còn lại, viên phi công người Anh sẽ không thể quên được chuyến bay dài nhất của đời mình. Đó là chuyến bay với hành trình sinh – tử nhưng cũng nhiệm màu như câu chuyện cổ tích giữa đời thực của mình ở đất nước mang tên Việt Nam.