Bên lề Quốc hội: Xem xét lại quản lý hoạt động tổ chức tín dụng sau vụ SCB

Theo Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, vụ SCB là bài học kinh nghiệm để xử lý câu chuyện về kiểm soát sớm, xây dựng hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực; đồng thời, phải thiết kế một mô hình giám sát đủ mạnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (viết tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị.

Vụ việc này được dư luận đặc biệt quan tâm và đặt ra những vấn đề về việc ngăn ngừa từ sớm, từ xa đối với hoạt động tín dụng nói chung.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Thưa đại biểu, kết quả điều tra vừa được công bố liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được dư luận đặc biệt quan tâm. Đại biểu đánh giá như thế nào về vụ việc này? 

Vụ việc này được công bố vào đúng thời điểm Quốc hội đang bàn về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, với rất nhiều vấn đề đặt ra. 

Liên quan đến vụ việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, với rất nhiều những “kỷ lục” xảy ra: Kỷ lục về số tiền bị chiếm đoạt; kỷ lục về thời gian diễn ra vụ việc; kỷ lục về số lượng các bị can; kỷ lục về số lượng người bị tác động; kỷ lục gây ra hệ lụy vô cùng lớn với nền kinh tế và niềm tin của người dân, khách hàng đối với hoạt động tín dụng.

Đến thời điểm này đã có những kết luận điều tra ban đầu và sắp tới sẽ đưa ra xét xử. Tuy có muộn, hậu quả xảy ra rồi, nhưng vụ án đã được đưa ra trước công lý. 

Đây cũng là một trong những bài học lớn để chúng ta xây dựng các chính sách, đặc biệt trong Luật Các tổ chức tín dụng. Vụ việc này không đơn giản là một vụ án hình sự bình thường, mà còn tác động đến nhiều vấn đề khác liên quan đến kinh tế - xã hội, vấn đề tâm lý, niềm tin của người dân...

Trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần quyết liệt và chặt chẽ, đặc biệt trong việc xử lý hệ quả, làm sao để không ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế - xã hội, cũng như quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Như Đại biểu nói, vụ việc SCB vừa là sự cố, vừa là vụ việc không ai muốn, nhưng lại đặt ra nhiều bài học. Vậy, vấn đề ngăn ngừa từ sớm, từ xa đối với hoạt động tín dụng nói chung được đặt ra như thế nào, thưa Đại biểu?

Có thể nói, trong tất cả các vụ việc đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa là khâu quan trọng hơn cả. Trong vụ việc này, nếu làm tốt khâu phòng ngừa, kiểm soát, xử lý được từ sớm, từ xa, thì chắc hệ quả không ghê gớm như vậy.

Vì sao một cá nhân, một công ty lại có thể chiếm đoạt tới 1 triệu tỷ đồng trong thời gian dài như vậy? Tuy nhiên, trong vụ việc này, khâu phòng ngừa đến đâu, rồi trách nhiệm cơ quan quản lý thế nào cần được đặt ra.

Theo tôi, vấn đề đặt ra trước tiên là trách nhiệm trong khâu quản lý. Đối với một tổ chức tín dụng, đã có một hệ thống quy định pháp luật rất đầy đủ, đồng bộ, với các biện pháp kiểm soát rủi ro rất chặt chẽ. Đặc biệt, SCB là một ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, theo các quy định của Nhà nước, tại sao lại xảy ra sự việc như vậy? Tại sao một cá nhân lại có thể lách, làm những thủ đoạn để nắm giữ, chi phối một ngân hàng như vậy?

Đối với lĩnh vực đặc biệt, nhạy cảm như ngân hàng, phải có những biện pháp vừa mềm dẻo, nhưng cũng phải rất chặt chẽ. Do vậy, khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro với các tổ chức tín dụng phải làm thật chặt chẽ, tất nhiên là không can thiệp. Rõ ràng, chúng ta có công cụ nhưng lại làm chưa hết và dẫn đến vi phạm pháp luật và bị mua chuộc. 

Cùng với đó, cũng phải đánh giá xem thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đây cho chúng ta bài học và nhìn nhận lại hệ thống chúng ta đã an toàn và chuẩn mực hay chưa. 

Tôi cho rằng trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua làm rất tốt, nhưng đang bị cuốn theo "lối đá" của các tổ chức tín dụng. Trong vụ việc này, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước lại vi phạm pháp luật, bị mua chuộc với hàng triệu USD để "xóa mờ" nhiều sai phạm nghiêm trọng của ngân hàng SCB. Đây thực sự là bài học đắt giá.

Phải nói rằng, tiêu cực trong thanh, kiểm tra qua việc nhận 5 triệu USD như công bố là hệ lụy dẫn đến hậu quả thảm khốc. Nếu như không có chuyện ba thùng xốp đựng 5 triệu USD kia, nếu SCB được xử lý ngay khi nó manh nha, đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đến bây giờ sẽ không xảy ra hậu quả như vậy.

Đặc biệt, phải có cơ chế để kiểm soát lẫn nhau. Muốn vậy, chúng ta cần phải có cơ chế đánh giá độc lập, kiểm tra chéo, chứ nếu để đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng” thì hậu quả sẽ rất lớn. Tôi đã phát biểu nhiều lần, là phải có một cơ quan kiểm tra, giám sát ngân hàng độc lập để phòng ngừa được từ xa. 

Vụ SCB cũng là bài học kinh nghiệm để chúng ta xử lý câu chuyện về kiểm soát sớm. Chúng ta phải có một hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực. Đồng thời, phải thiết kế một mô hình giám sát, kiểm tra đủ mạnh, có thể độc lập, cũng có thể nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, nhưng xin nhấn mạnh là nó phải đủ mạnh.

Theo đại biểu, cần có giải pháp gì để kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng này?

Phương thức, thủ đoạn của Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan cũng rất đơn giản. Đó là thành lập doanh nghiệp, mượn đứng tên mua cổ phiếu, thành lập các hệ sinh thái, tạo nên “lực lượng ma” để làm méo mó các hoạt động tín dụng. Thủ đoạn của họ rất đơn giản, nhưng lại kéo dài. 

Những "mánh khoé" đó không phải chuyên gia mới hiểu, mà ngay cả người dân, cổ đông cũng có thể hình dung ra được. Vậy tại sao lại để xảy ra câu chuyện vừa rồi?

Đây chính là biến tướng của các cặp sở hữu chéo. Biến tướng của sở hữu chéo đang là cả vấn đề, các cặp sở hữu chéo trong tổ chức tín dụng rất dễ dàng nhận ra, nhưng giải pháp gì để chặt "vòi bạch tuộc" này thì hiện chúng ta đang bị lúng túng. 

Tôi cho rằng, việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng chỉ là biện pháp rất kỹ thuật và hình thức. Sở hữu chéo và vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng như trường hợp của SCB giống như những hiện tượng "vô hình, ảo thuật" vậy, phải có biện pháp đặc biệt trong kiểm tra, giám sát và phải công khai minh bạch nhất có thể. 

Bài học khác là phải có một biện pháp mạnh tay, làm lành mạnh hóa các hoạt động tín dụng. Theo tôi, cần áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn thế giới. Đơn vị nào không đáp ứng được yêu cầu phải loại ra ngoài. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thanh lọc lại hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp, bảo đảm quyền lợi tối đa nhất cho người gửi tiền. Mặt khác, cũng phải có cơ chế cho những tổ chức tín dụng dũng cảm đứng ra mua lại, nhận rủi ro về mình, qua đó góp phần làm sạch môi trường tín dụng.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Thu Trang (thực hiện)/Báo Tin tức
Truy nã 7 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB
Truy nã 7 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB

Tối 29/10, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với 7 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các tổ chức, đơn vị liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN