Bên lề Quốc hội: Sửa đổi Luật Thủ đô để Hà Nội phát triển xứng tầm 

Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên, nhiều đại biểu đánh giá, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Thủ đô có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tháo gỡ nút thắt về thiết chế văn hoá

Hà Nội không chỉ là Thủ đô chính trị của Nhà nước, mà còn là thủ đô văn hoá của cả nước, nơi tụ hội những giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc và tỏa sáng những giá trị đó, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm.

Chính vì vậy, tôi mong muốn những quy định về văn hóa trong Luật Thủ đô sẽ giúp cho sự phát triển của văn hoá Hà Nội, đồng thời dẫn dắt cho sự phát triển văn hoá của đất nước.

Ban soạn thảo Luật cũng đã rất chú ý đến điều này và có nhiều điều khoản quy định cho sự phát triển văn hoá của Thủ đô, từ những chính sách về phát triển công nghiệp văn hoá, chính sách ưu đãi cho hợp tác công - tư, hay chính sách đặc thù cho văn nghệ sĩ.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng có thể có thêm các chính sách, biện pháp để cho văn hoá Thủ đô phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình. Ví dụ như trong Luật Thủ đô sửa đổi đã rất chú ý đến phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Tuy nhiên, các lĩnh vực về công nghiệp văn hoá chỉ dừng lại ở 4-5  lĩnh vực, trong khi đó, công nghiệp văn hoá của Thủ đô có nhiều hơn thế. Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam tầm nhìn 2030 có 12 lĩnh vực, trong đó Hà Nội có thể có thêm các lĩnh vực như thời trang, phần mềm, các trò chơi giải trí hay các lĩnh vực khác chứ không chỉ là một số lĩnh vực trong Dự thảo.

Chúng ta cũng cần có những tháo gỡ cho lĩnh vực hợp tác công - tư, quản lý tài sản công cho các thiết chế ở Hà Nội. Đặc biệt, khi Hà Nội rất thận trọng với một số thiết chế văn hoá như thư viện, bảo tàng, di tích lịch sử - văn hoá. Đúng là những lĩnh vực này rất nhạy cảm, nếu chúng ta thái quá thì sẽ làm ảnh hưởng đến bản chất, giá trị của di tích hay thiết chế văn hoá này. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng chúng ta cần phân biệt nó rõ ràng giữa quản lý và điều hành thực tiễn, giữa quản lý và dịch vụ như vậy thì về nguyên tắc phải giữ quyền quản lý, chi phối của nhà nước.

Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong đưa ra quy định, quy chế, định hướng cho các địa điểm nhạy cảm này, nhưng một số hoạt động dịch vụ, liên quan tổ chức hoạt động du lịch thì rất cần có tháo gỡ, đưa các đối tác tư nhân vào thực hiện. Chúng ta thấy điều đó ở một số hoạt động của một số di tích như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hoả Lò, đang có những hợp tác này, tuy nhiên, những hợp tác này của họ cũng có những khó khăn nhất định. Chắc chắn nếu chúng ta tạo ra sự cởi mở hơn thì sẽ thu hút được. 

Một yếu tố nữa mà tôi băn khoăn là ở Hà Nội có rất nhiều thiết chế văn hoá của Trung ương, sân vận động, nhà hát, bảo tàng… khi Luật Thủ đô được thông qua thì các thiết chế này có được được hưởng chế độ ưu đãi từ quy định của Luật Thủ đô hay không? Tôi nghĩ rằng chúng ta nên đưa vào vì câu chuyện giữa địa phương và Trung ương chỉ nên phân biệt ở quy mô, còn các thiết chế văn hoá đó đều phục vụ hoạt động văn  hoá - thể thao, tổ chức tốt các hoạt động. Khi chúng ta thấy đây là cơ chế tốt cho Hà Nội thì cũng nên tạo điều kiện cho thiết chế trung ương hưởng lợi ích từ những quy định này.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Nên bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, thêm biên chế Hội đồng nhân dân thành phố

Tôi cho rằng để xứng tầm với Thủ đô, yêu cầu không chỉ là đô thị thì những cơ chế chính sách cho Thủ đô cũng phải rất đặc biệt. Một trong những nội dung tôi quan tâm là chính quyền đô thị, trên cơ sở tổng kết đánh giá mô hình thí điểm của Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và cả Hà Nội, cần có những quy định chuyên biệt, đặc biệt của Thủ đô, khẳng định vai trò, vị trí của Thủ đô. Do vậy, việc trao quyền cho các cơ quan chính quyền là rất quan trọng.

Theo tôi nên bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường, tập trung cho cấp Hội đồng Nhân dân Thành phố. Về biên chế, không nên băn khoăn, nếu chúng ta bỏ biên chế của Hội đồng Nhân dân cấp quận, thì biên chế của Hội đồng nhân dân thành phố có thể lên đến 150 người. 

Hội đồng nhân dân thành phố phải là cơ quan thực sự khẳng định vai trò quyết định những vấn đề quan trọng nhất của Thủ đô, giám sát hiệu quả và xây dựng cơ chế chính sách cho Thủ đô, vì cơ chế chính sách cho Thủ đô không chỉ bằng luật, Nghị quyết của Quốc hội, mà bản thân Hội đồng Nhân dân thành phố cũng được trao quyền quyết định những cơ chế chính sách có đặc thù cho Thủ đô. Chính vì vậy, tôi cho rằng Hội đồng Nhân dân chỉ nên tổ chức ở Thành phố, biên chế đại biểu có thể là 150 và tôi mong muốn tỷ lệ đại biểu chuyên trách khoảng 40%.

Về chính sách thu hút nhân tài, dường như chúng ta quan niệm nhân tài là những đối tượng, những con người có sẵn ở đâu đó đi tìm cách tìm về. Nhưng có những con người có thể là ở mức độ bình thường, họ là bình thường nhưng chúng ta đặt đúng vị trí của họ, phát huy được tiềm năng bên trong họ, thì đó họ đã trở thành nhân tài. Điều quan trọng nhất là sử dụng, bố trí, sắp xếp như thế nào cho hợp lý chứ chưa chắc kinh nghiệm cho thấy rất nhiều sinh viên giỏi, những người được đào tạo tốt trong và ngoài nước nhưng khi về chúng ta sử dụng không hiệu quả, cuối cùng cũng không phát huy được.

Tôi cho rằng, quan trọng nhất là từng cơ quan, những người có trách nhiệm trong hệ thống của chúng ta sử dụng, sắp xếp, bố trí làm sao khơi gợi, thúc đẩy con người đó đã có tố chất, đã có những phân tích lũy nhất định để phát huy tố chất cũng như các kinh nghiệm, những kiến thức của họ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Dự thảo Luật Thủ đô đã đưa ra được các cơ chế, chính sách vượt trội 

Hà Nội không phải địa phương, mà là Thủ đô của cả nước. Hà Nội phát triển mang tính chất đại diện, tiên phong, hình mẫu lan tỏa cho cả nước. Chúng ta tạo cơ chế đặc biệt cho Thủ đô mới đạt được mục tiêu hình mẫu, tiên phong. Dự thảo Luật Thủ đô đưa ra các cơ chế, chính sách thực sự vượt trội. Đồng thời, quy định quyền hạn trách nhiệm của chính quyền tự quyết định những vấn đề của Thủ đô. Làm sao để huy động sự tham gia của các địa phương có liên quan, thu hút được nguồn lực trí tuệ của các nước. Thậm chí huy động được sự tham gia của các địa phương có liên quan hoặc về nguồn lực trí tuệ, ưu tú của cả nước… 

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Dự thảo Luật Thủ đô có nhiều điểm tích cực 

Dự thảo Luật Thủ đô lần này có những vấn đề tôi rất tâm đắc. Thủ đô Hà Nội cần có những đặc thù, riêng biệt hơn để có những cơ chế, chính sách đảm bảo sự tồn tại cũng như phát triển bền vững. Xứng đáng là Thủ đô của một nước như câu nói: Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. 

Những điểm tích cực có thể chỉ ra từ dự thảo luật này như: TP Hà Nôi sẽ giảm Hội đồng nhân dân cấp phường, quận và tăng đại biểu chuyên trách. Lực lượng thường trực Hội đồng nhân dân tăng lên. Khi tăng được biên chế chuyên trách, tăng hoạt động chuyên đề giám sát, Hà Nội sẽ tự quyết định được những vấn đề quan trọng. 

Tôi muốn nhấn mạnh, Thủ đô khác với những thành phố khác. Chúng ta nên xây dựng để Thủ đô bền vững, tốt đẹp hơn. Khi vừa làm vừa điều chỉnh những bất cập, rút kinh nghiệm như chính những cơ chế đặc thù vừa qua đã từ các thành phố lớn, khu đô thị khác. 

Lê Vân - Thu Trang/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Xây dựng Luật Thủ đô để 'Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước'
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Xây dựng Luật Thủ đô để 'Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước'

Chiều 10/11, thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội để thúc đẩy, tạo động lực cho cả vùng và cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN