Video Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH Long An chia sẻ:
Theo dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử, đảm bảo mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều có sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên, nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.
Công chứng điện tử góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi số hiện nay. Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cũng nêu rõ về thời điểm để triển khai công chứng điện tử để đảm bảo yêu cầu.
Video Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng chia sẻ:
Trung tâm cung cấp cơ sở dữ liệu phải đảm bảo áp dụng công nghệ 4.0 khi triển khai công chứng điện tử trực tuyến. Số hóa dữ liệu phải đi cùng với tích hợp dữ liệu với từng văn phòng công chứng. Chẳng hạn, với một giao dịch đất trên thị trường, khi thực hiện xong, đều công khai trên trang điện tử để bất cứ người nào cũng truy cập thông tin được... Tuy nhiên, câu chuyện về việc cung cấp dữ liệu và dữ liệu này do đơn vị nào quản lý cần làm rõ.
Trong dự thảo luật mở rộng sự lựa chọn cho công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển văn phòng công chứng ở những địa bàn vùng sâu vùng xa. Nhưng để thuận tiện, thống nhất trong áp dụng, đề nghị xem xét để quy định tiêu chí, nguyên tắc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, dịch vụ chưa phát triển.
Tại Khoản 6, Điều 17 dự thảo Luật quy định: “Công chứng viên của Phòng Công chứng chỉ được tham gia thành lập văn phòng công chứng mới hoặc làm thành viên hợp danh của văn phòng công chứng khác hoặc đề nghị thành lập văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân sau thời hạn ít nhất 2 năm kể từ ngày không còn là công chứng viên của Phòng công chứng...”.
Việc quy định giới hạn 2 năm như dự thảo là chưa phù hợp và không bảo đảm tính tương quan. Quy định này có thể dẫn đến việc một số trường hợp công chứng viên thực hiện đúng quy định của pháp luật lại bị hạn chế quyền và không bình đẳng với những công chứng viên mới được bổ nhiệm.