Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp, một số đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Quốc hội khóa XIV, đồng thời chia sẻ những kỳ vọng về Quốc hội khóa XV, trong đó có việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác lập pháp, giám sát của Quốc hội, khi sắp tới tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ được nâng thêm 5%.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng việc Quốc hội tăng từ 35% lên 40% số đại biểu chuyên trách sẽ tạo điều kiện để Quốc hội có những đại biểu có kinh nghiệm, góp phần làm tốt hơn vấn đề lập pháp, giám sát các vấn đề quan trọng. Đại biểu Lê Công Nhường cũng đồng tình với xu hướng giảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm trong Quốc hội khóa tới.
Đồng quan điểm với đại biểu Lê Công Nhường, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu rõ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV số lượng đại biểu chuyên trách tăng lên sẽ góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong xây dựng luật và giám sát hiện nay. “Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội mới sửa đổi, trong nhiệm kỳ tới đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ được nâng lên 40%. Đây là một yêu cầu đặt ra đối với Quốc hội, bởi một trong những mục tiêu của Quốc hội là phải chuyên nghiệp hơn, mà muốn chuyên nghiệp thì Quốc hội - trong đó đại biểu Quốc hội là hạt nhân - phải hoạt động toàn tâm, toàn ý”, đại biểu Bùi Văn Xuyền chia sẻ.
Cũng theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, khác với nghị viện các nước hoạt động chuyên nghiệp 100%, Quốc hội Việt Nam là Quốc hội mang tính đại diện giai tầng, tầng lớp, vùng, miền. Tuy nhiên, thực tiễn lập pháp, giám sát đòi hỏi Quốc hội phải không ngừng nâng cao chất lượng đại biểu, nên việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách là một yêu cầu đặt ra.
“Quốc hội trong giai đoạn tới cố gắng làm sao phải chuyên nghiệp hóa, chuyên nghiệp nhưng cũng cần kết hợp được tính vùng miền và tính đại diện. Khi đại biểu đã hoạt động chuyên nghiệp thì cần phải dành 100% thời lượng công tác cho hoạt động của Quốc hội. Nhiệm vụ của Quốc hội có ba việc rất quan trọng là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cử tri đã ủy quyền cho đại biểu Quốc hội thì đại biểu phải làm tròn được 3 nhiệm vụ đó”, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết.
Từ thực tế công tác nhiệm kỳ hiện nay ở Quốc hội và sự băn khoăn về chất lượng, vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong khóa sắp tới, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) đề nghị tăng cường công tác tập huấn lập pháp và giám sát cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Bên cạnh đó, để thể hiện vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách, các hội nghị của đại biểu chuyên trách cần được tổ chức nhiều hơn nữa, đặc biệt trong việc xem xét, thẩm tra, chất vấn những vấn đề trong xây dựng luật, vấn đề quan trọng quốc gia.