Bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7 năm 2019

Với chủ đề “Đắk Lắk và những người bạn”, tối 16/3, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7 năm 2019 đã bế mạc tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột.

Lễ hội nhằm tiếp tục tôn vinh sản phẩm cà phê Việt Nam, đặc biệt là thương hiệu và chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên trường quốc tế; quảng bá phát triển cà phê đặc sản, với khát vọng đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”.

Lễ hội lần này cũng góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh để xúc tiến thương mại và đầu tư theo định hướng phát triển bền vững, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, sự đoàn kết, thống nhất trong đa dạng và là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương của các nước anh em, các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7 năm 2019 đã thành công tốt đẹp, với sự tham gia của đông đảo người dân với vai trò là chủ thể của lễ hội. Lễ hội đã trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Sau 8 ngày diễn ra, Lễ hội đã thu hút 50.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế 6.000 người. 17 hoạt động chính diễn ra đều có ý tưởng độc đáo, tạo được dấu ấn đặc sắc trong lòng người dân, du khách.

Trong đó, Chương trình Khai mạc với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” được thực hiện hoành tráng, rực rỡ sắc màu và có giá trị nghệ thuật cao. Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê thu hút sự tham gia của 230 đơn vị với 800 gian hàng, có tổng cộng 200.000 lượt khách tham quan hội chợ, có hàng trăm bản ghi nhớ hợp tác của các doanh nghiệp được ký kết. Lần đầu tiên được tổ chức tại thủ phủ cà phê Đắk Lắk, “Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” đã thu hút 400 đại biểu tham dự, với nhiều tham luận có giá trị gợi mở việc thiết kế chính sách cho hướng đi mới của cà phê Việt Nam. “Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam” năm 2019 có 31 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, có 25 mẫu cà phê của các nông hộ, đơn vị, doanh nghiệp được chứng nhận là cà phê đặc sản.

Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có 38 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 72.000 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã ký kết hợp tác với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các hoạt động Hội thi Nhà nông đua tài với chủ đề “Canh tác cà phê thông minh”; Lễ hội đường phố; Triển lãm lịch sử cà phê thế giới; Khai trương Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột; Hội Voi Buôn Đôn; Đua thuyền độc mộc tại Hồ Lắk; Trình diễn các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Hội thi ẩm thực Tây Nguyên... vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tạo nên tầm vóc của Lễ hội quốc gia, có khả năng hội tụ và lan tỏa trong xu thế chủ động hội nhập quốc tế. Chương trình thưởng thức cà phê miễn phí đã nhận được sự ủng hộ của 38 doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá nhân, thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách cùng thưởng thức.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7 năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” diễn ra từ ngày 9-16/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Lắk. Lễ hội đã khép lại với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè, du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phạm Cường (TTXVN)
Tăng giá trị cho cà phê Việt  
Tăng giá trị cho cà phê Việt  

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất trên 1,5 triệu tấn cà phê nhưng, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng  90%, do đó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Đây là điểm yếu của ngành cà phê, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang từng bước khắc phục, để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN