Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 7 giờ ngày 3/1, tâm bão cách Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 210 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25 km. Đến 7 giờ ngày 4/1, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 250 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 130 km tính từ vùng tâm bão.
Trong 24 - 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 4/1 tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển các tỉnh Phú Yên - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 9. Trong 36 - 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần.
Dự kiến mới nhất về đường đi của cơn bão. Ảnh: KTTV |
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Văn phòng thường trực đã đề nghị các tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 01/CĐ-TW của Văn phòng thường trực và Công điện số 02/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT&TKCN) và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
Trong đó, tăng cường cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiểm tra, rà soát sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục cung cấp các bản tin dự báo kịp thời, chính xác và vùng ảnh hưởng của bão để cơ quan chức năng và nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát các bản tin dự báo, cảnh báo để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
Theo báo cáo của Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), hồ chứa có cửa van ở khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đạt bình quân 85 - 95% dung tích thiết kế; khu vực Tây Nguyên đạt bình quân 90 - 100% dung tích thiết kế. Có 7 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Quảng Nam: Hồ Phú Ninh xả 30 m3/s, hồ Vĩnh Trinh 10 m3/s; Quảng Ngãi: hồ Nước Trong 40m3/s; Bình Định: hồ Định Bình 50 m3/s, hồ Núi Một 10m3/s; Đắc Lắk: Hồ Ea Soup Thượng xả 20 m3/s). Với hồ chứa có tràn tự do, ở các khu vực nêu trên hầu hết các hồ chứa đã đầy nước hoặc xấp xỉ đầy nước.
Theo Bộ Tư lệnh Biên phòng, Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình, chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 47.190 phương tiện/246.019 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Cụ thể ở khu vực Quần đảo Trường Sa: 47 tàu/389 người (Bình Định 1 tàu, Quảng Ngãi 26 tàu, Ninh Thuận 1 tàu, Khánh Hòa 19 tàu). Hoạt động các vùng biển khác và neo đậu tại các bến là 47.143 tàu/245.630 người.
Ông Vũ Xuân Thành cũng cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã tổ chức thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn tàu thuyền biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Bộ Giao thông vận tải có công điện chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chuyển các bản tin dự báo đến Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương để chủ động thông tin, ứng phó.
Ở địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã triển khai thực hiện Công điện số 01/CĐ-TW của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Công điện số 02/CĐ-TW và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và TKCN; chỉ đạo, đôn đốc công tác thông tin, hướng dẫn và kiểm đếm tàu thuyền và triển khai công tác ứng phó với bão.
Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau đã có công điện, báo cáo công tác triển khai ứng phó với ATNĐ.