Theo đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo Công điện số 04/CĐ-BCA-V01 của Bộ Công an về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 và chủ động ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu các đơn vị thuộc Cục và Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Kon Tum triển khai Công văn số 2689/C08-P1 về thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo của Công an tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương về ứng phó với cơn bão số 4.
Các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; kịp thời triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; gắn công tác đảm bảo an toàn giao thông trong bão lũ với công tác đảm bảo an toàn trên các tuyến giao thông, tập trung vào địa bàn trọng điểm. Các đơn vị phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống địa bàn để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống bão, lũ tại cơ sở.
Trước khi bão Noru đổ bộ, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông công an các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum kêu gọi các phương tiện thủy vào nơi tránh trú an toàn.
Người dân được khuyến cáo không lưu thông vào khu vực bão đang hoạt động. Lực lượng Cảnh sát giao thông được bố trí giám sát chặt các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở.
Trên các tuyến quốc lộ, công an địa phương được yêu cầu xây dựng phương án đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ hoặc xảy ra lũ lụt, sạt lở. Trường hợp tuyến đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cần cấm đường và bố trí điểm đỗ an toàn cho xe cộ.
“Địa phương cần báo cáo về Cục Cảnh sát giao thông khi cần thiết điều tiết liên tuyến và phân luồng từ xa”, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu.
Sau khi bão đi qua, Cảnh sát giao thông được yêu cầu phối hợp với đơn vị quản lý hạ tầng sớm khắc phục các điểm sạt lở và giải phóng xe cộ, không để xảy ra tai nạn.
Ngay sau khi nhận được Điện khẩn, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ngãi cùng các lực lượng khác đã đưa nhân dân và tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn. Trong chiều 27/9, tại đảo Lý Sơn đã có mưa rất to, sóng lớn cấp 8, cấp 9. Trong đất liền bắt đầu có mưa lớn, Phòng Cảnh sát giao thông bố trí chốt tại các nơi nước chảy qua đường, không cho phương tiện qua lại; bố trí nhiều tổ tuần lưu để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Còn tại Đà Nẵng, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng Thủy đoàn 1 (Cục Cảnh sát giao thông) tại Đà Nẵng và các đơn vị Cảng vụ, Biên phòng bố trí tàu, thuyền vào neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, các tàu du lịch về neo đậu trên vịnh sông Cổ Cò an toàn, kiểm tra các hộ nuôi trồng hải sản không để người lưu trú trên lồng bè.
Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Phòng 8 (Cục Cảnh sát giao thông) tại Đà Nẵng triển khai phương án tuần tra kiểm soát các tuyến, khu vực xung yếu để hướng dẫn phương tiện và người dân không đi vào khu vực nguy hiểm. Tiếp tục tuần tra, kiểm soát, cấm các phương tiện lưu thông sau 22 giờ đêm 27/9. Các lực lượng thực hiện nghiêm túc “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, quân số ứng trực 100% thực hiện ứng phó cơn bão số 4.
Trạm Cảnh sát giao thông Hòa Hiệp (Đà Nẵng) đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống... bố trí chỗ ăn, nghỉ đón 50 người dân của 30 hộ sống ở ven biển thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu đang ở nhà cấp 4 có nguy cơ bị sập đổ do bão số 4 gây ra đến trú bão tại Trạm. Kinh phí do cán bộ, chiến sỹ Trạm đóng góp phục vụ người dân.