Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Quyết định cũng xác định 6 quan điểm, 6 nhiệm vụ, giải pháp nền móng chuyển đổi số, 9 nhiệm vụ phát triển chính phủ số, 5 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số, 7 nhiệm vụ phát triển xã hội số...
Không nằm ngoài xu hướng chung, báo chí với tư cách là ngành nghề tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Câu hỏi được đặt ra là: Báo chí thực hiện việc chuyển đổi số như thế nào để vừa có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh với các thông tin của mạng xã hội, vừa kịp thời đưa thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc?
Chùm bài ba bài về "Báo chí và chuyển đổi số" sẽ đưa ra các góc nhìn về chuyển đổi số; chỉ ra các thuận lợi cũng như khó khăn của báo chí trong thực hiện chuyển đổi số.
Bài 1: Chuyển đổi số tạo ra một thời đại thông tin tăng tốc
Theo định nghĩa của nhiều chuyên gia, chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động, cung cấp các giá trị mới cho khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Tại Việt Nam, khái niệm "Chuyển đổi số" thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang hoạt động áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc...
Sự tích hợp và giao thoa giữa các thành tựu công nghệ số như internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big-data)… đang tạo ra một thời đại thông tin tăng tốc, một xã hội thông tin, trong đó thông tin sẽ trở thành yếu tố trung tâm quyết định sự biến đổi cả về phương thức sản xuất dẫn đến yêu cầu mới về lực lượng sản xuất trên toàn xã hội. Tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí đã nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động để sản xuất ra các sản phẩm báo chí công nghệ mới, có thể đáp ứng yêu cầu, thói quen, sở thích của từng độc giả.
Đáp ứng thị hiếu thông tin đang thay đổi của công chúng
Là một trong những trang báo điện tử chính thống hàng đầu trong nước, Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã không ngừng đổi mới về nội dung, văn phong, đặc biệt là công nghệ, tạo được sức hút đối với độc giả, góp phần định hướng thông tin theo đường lối của Đảng, Nhà nước. Ông Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, VietnamPlus ngay từ sớm đã bắt đầu triển khai thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung phục vụ một tòa soạn hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả. Các ứng dụng AI, Big Data, IoT bước đầu được triển khai để tạo ra các sản phẩm mới: ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác… VietnamPlus cũng đầu tư phát triển kênh chính thức trên các nền tảng được nhiều người sử dụng khác như: Facebook, Zalo, TikTok, MyClip.vn, Instagram, Twitter, Pinterest.
Hiện nay, một số sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng đã, đang được báo triển khai. Ngày 23/1/2020, VietnamPlus đã sản xuất các bản tin podcast, hướng tới các thiết bị thông minh ra lệnh bằng giọng nói. Hiện, sản phẩm podcast của VietnamPlus, ngoài việc được phát ở mục bản tin âm thanh trên trang VietnamPlus, cũng đã được đăng ký chạy trên các nền tảng phổ biến nhất của loại hình này như Apple Podcast, Spotify, chạy được trên các thiết bị loa thông minh như Google Home, Alexa...
Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Insider ngày 6/1/2021, VietnamPlus đã có thêm các gói giải pháp và công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn (Newsletter) hay Tin tuyển chọn từ Ban biên tập (Editors Picks)… Việc hiểu rõ người dùng sẽ giúp VietnamPlus đưa ra những giải pháp nội dung phù hợp với đối tượng độc giả đang phục vụ. Tiến tới, VietnamPlus cùng đối tác sẽ đánh giá sâu hơn về đối tượng khách hàng thuộc nhóm mua tin, nhằm tăng gói mua subscription, phục vụ cho dự án thu phí độc giả.
Trước đó, VietnamPlus cũng là đơn vị báo chí tiên phong trong cả nước cho ra đời sản phẩm báo chí Mega Story, infographic, Timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ. Hai giải thưởng quốc tế trước đây của VietnamPlus là RapNewsPlus kết hợp tin tức với nhạc rap, chatbot để tự động tương tác với độc giả báo điện tử, đều gắn với công nghệ hỗ trợ hoạt động báo chí.
Không chỉ trong lĩnh vực báo điện tử, nhiều thương hiệu báo in lớn đã chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm báo chí áp dụng các công nghệ hiện đại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng biên tập báo Lao động, hiện nay, hoạt động tác nghiệp hàng ngày của nhân viên, phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn Báo Lao động đã được tin học hóa, quản lý tập trung. Cách làm này giúp toà soạn đảm bảo việc kiểm soát chất lượng tin bài, thống kê hiệu suất của từng nhân sự, từng phòng ban chuyên môn.
Báo Lao động là đơn vị tiên phong tại Việt Nam triển khai thiết lập mạng sản xuất và phân phối tín hiệu hình ảnh NDI tập trung trên quy mô toà soạn, lấy trường quay đa phương tiện làm trung tâm điều hành sản xuất đa phương tiện. Trên cơ sở đó, tích hợp một loạt các công cụ số, ứng dụng các mô hình chuyển đổi số hiện đại trong lĩnh vực báo chí; từ đó, thay đổi toàn bộ quy trình tác nghiệp đa phương tiện theo hướng tối ưu về mặt thời gian, nhân sự và hiệu quả dựa trên những đặc thù nghiệp vụ của báo.
Cụ thể, báo đã tích hợp các công cụ điều khiển tự động hóa trường quay đa phương tiện để rút ngắn thời gian sản xuất, giảm thiểu nhân sự vận hành trường quay trong quá trình thực hiện các bản tin ghi hình trực tiếp định kỳ hàng ngày. Việc tích hợp các ứng dụng kết nối, truyền dẫn, sản xuất tín hiệu hình ảnh từ xa hiện nay phóng viên Báo Lao động chỉ cần 1 điện thoại di động kết nối 3G, 4G là có thể kết nối trực tiếp với trường quay trung tâm; ghi hình theo sự điều hành tại tòa soạn, truyền dẫn tín hiệu hình ảnh trực tiếp từ hiện trường về toà soạn để biên tập lại hoặc kiểm duyệt phát trực tiếp trên báo. Phóng viên cũng có thể dễ dàng ghi hình phỏng vấn nhân vật ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thông qua mạng internet. Khách mời chỉ cần có điện thoại thông minh, mở trình duyệt internet thực hiện không quá 3 thao tác nhập tên, ấn nút để kết nối, trả lời phỏng vấn trực tiếp của phóng viên tại trường quay.
Báo hiện có bốn trường quay đa phương tiện, trong đó có một trường quay lớn, đầu tư, xây dựng bài bản. Ngoài chức năng sản xuất nội dung, trường quay này còn có chức năng như một trung tâm chỉ huy điều hành tác nghiệp đa phương tiện của toàn bộ tòa soạn. Đây là trường quay đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ kết nối tín hiệu NDI thế hệ thứ năm, đồng bộ tín hiệu với các trường quay đặt tại các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện; nhờ đó, báo sẵn sàng tích hợp các giải pháp điều hành sản xuất – phân phối nội dung đa phương tiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Cuối cùng, việc định hướng nội dung, sản xuất và xuất bản tin bài của báo được thực hiện dựa trên các công cụ phân tích dữ liệu thông tin nội dung và dữ liệu nhân khẩu học, hành vi của độc giả.
Đây là hai trong số hàng trăm cơ quan báo chí của Việt Nam đang thực hiện phương thức chuyển đổi số - xóa nhòa ranh giới giữa các loại hình báo in, báo hình, báo mạng…; sử dụng các dạng thức sản phẩm truyền thông mới để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu thông tin đang thay đổi liên tục của công chúng.
Nhiều hình thức chuyển đổi số trong báo chí
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng tận dụng cơ hội từ bối cảnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp số và ngành công nghiệp nội dung ở Việt Nam đã, đang khởi đầu xây dựng và có nhiều dấu hiệu phát triển tích cực. Báo chí đồng thời có sứ mệnh tham gia mọi tiến trình truyền thông về chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu thay đổi đồng bộ nhận thức - thái độ - hành vi của các nhóm công chúng mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia.
"Chuyển đổi số không đơn giản là quá trình số hóa, hơn thế nữa là xây dựng mô hình hoạt động số, chẳng hạn như mô hình hội tụ cho cả một thiết chế truyền thông của quốc gia, bộ, ngành, địa phương, hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi, trong đó diễn ra quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy"- Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.
Theo ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hầu hết các cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay đều đã nhận ra và thực hiện bước đi liên quan đến hình thức của chuyển đổi số. Tuy nhiên, vì một số những lý do liên quan đến khách quan hoặc chủ quan của mỗi cơ quan báo chí nên mỗi tờ báo lại hiện nay có những chiến lược cũng như là thực trạng riêng về chiến lược chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số trên thế giới đã được thực hiện từ khá lâu rồi nhưng Việt Nam hiện đang trải qua hai hình thức của hoạt động chuyển đổi số.
Hình thức đầu tiên là một số không nhiều các cơ quan báo chí đến thời điểm này vẫn thể hiện quan điểm "chối bỏ" chiến lược số hoặc hoạt động chuyển đổi số. Cũng có thể vì lý do chủ quan nào đó như chưa đủ nguồn lực về tài chính, nhân lực hoặc ngay do chính nhận thức của lãnh đạo cơ quan báo chí đó chưa nhìn ra được lợi ích của chuyển đổi số.
Tại Việt Nam hiện đang tồn tại hai mô hình chuyển đổi số phổ biến. Mô hình thứ nhất đó là mô hình phát triển vẫn giữ hoạt động báo chí truyền thống song song với các hoạt động chuyển đổi số: xây dựng, phát triển, nâng cao trang điện tử, báo điện tử hoặc những hoạt động liên quan đến kỹ thuật số. Ví dụ điển hình cho mô hình này có thể kể đến báo Tuổi trẻ, hiện báo in phát triển rất mạnh, đồng thời phiên bản điện tử của báo cũng có vai trò lớn trong hoạt động kỹ thuật số của báo chí Việt Nam.
Mô hình thứ hai đó là cơ quan báo chí tập trung thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số. Theo đó, lãnh đạo cũng như toàn bộ cán bộ, phóng viên, nhân viên của cơ quan báo chí, đặc biệt là lãnh đạo đã nhìn ra được lợi ích hoạt động chuyển đổi số. Cơ quan đó dù chưa loại bỏ mô hình hoạt động của báo chí truyền thống nhưng đã nhìn thấy lợi ích trước mắt cũng như tương lai lâu dài của chuyển đổi số nên tập trung thúc đẩy chiến lược số vào mảng điện tử. Điển hình như báo điện tử Vietnamnet mới đây đã thực hiện mô hình chiến lược số là thử nghiệm phiên bản thu phí bạn đọc. Đây là cơ quan báo chí thứ ba thực hiện phương thức này, trước đó là VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) và Thời Nay (Báo Nhân Dân). Điều này cho thấy các một số cơ quan báo chí đã bắt đầu đặt trọng tâm chiến lược số vừa là trọng tâm hoạt động, vừa là trọng tâm phát triển về kinh tế báo chí.
Hình thức thứ tư là mô hình kỹ thuật số trước tiên, thật ra chưa xuất hiện nhiều ở Việt Nam dù đã tồn tại từ lâu trên thế giới. Mô hình lấy chuyển đổi số là trọng tâm thì lúc này hoạt động của báo chí truyền thống chỉ là vệ tinh xoay quanh kỹ thuật số và mọi thông tin, mọi câu chuyện, mọi vấn đề luôn lấy kỹ thuật số, phiên bản điện tử là trọng tâm, dồn lực cho mô hình phát triển đó.
Bốn hình thức trên, trong đó là hai mô hình phát triển ở Việt Nam đều có những thế mạnh nhưng cũng có những vấn đề bất lợi mà mỗi cơ quan báo chí đều phải vượt qua để thực hiện thành công chuyển đổi số.
Bài 2: Nhiều thách thức trong công cuộc chuyển đổi số