Báo chí đối phó với khủng hoảng sau dịch COVID-19 - Bài cuối: Cơ hội để báo chí tìm hướng đi cho tương lai

Trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dù mạng xã hội có những thông tin đa dạng nhưng phần lớn độc giả vẫn quay về báo chí truyền thống để tìm kiếm những thông tin khách quan, chân thực; điều này đã cho thấy vai trò quan trọng, không thể thay thế của báo chí truyền thống với vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, xây dựng niềm tin xã hội. Báo chí truyền thống nói chung không thể biến mất.

Nhận thức được điều này, mỗi tòa soạn, cơ quan báo chí cần tiếp tục nỗ lực để nâng cao chất lượng tin bài, áp dụng khoa học kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của độc giả, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để làm được điều ấy ngoài sự nỗ lực của riêng từng cơ quan báo chí, rất cần sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan quản lý báo chí.

Minh bạch, đồng bộ trong thực hiện cơ chế hỗ trợ 

Theo nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, để trợ giúp các cơ quan báo chí đi đúng định hướng, vừa có thêm nguồn thu, Đảng, Nhà nước cần có biện pháp tăng cường đặt hàng đối với các cơ quan báo chí. Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng nêu rõ: Cơ chế "đặt hàng cho cơ quan báo chí thực sự rất cần thiết. Sự hỗ trợ này vừa giúp báo chí có được những định hướng cụ thể về công tác tuyên truyền, vừa giúp có nguồn thu ổn định. Tùy vào mỗi cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng sẽ có đặt hàng cụ thể, phù hợp với cơ chế "giao nhiệm vụ". Bên cạnh đó, xây dựng chính sách tài chính bền vững cho báo chí cũng là vấn đề cần được quan tâm cần có sự vào cuộc của Chính phủ, các ngành chức năng. Việc xây dựng chính sách này phân ra cụ thể với từng loại hình cơ quan báo chí để phát huy hiệu quả tối đa.

Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng bên cạnh sự nỗ lực đổi mới không ngừng, sự vận động tự thân, báo chí cũng rất cần sự quan tâm một cách thiết thực từ phía Nhà nước để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng, dẫn dắt dư luận; thông tin chính xác, minh bạch và khách quan, giúp công chúng có cái nhìn chuẩn xác về bản chất sự việc, không bị mạng xã hội dẫn dắt lệch chuẩn. Ông Nguyễn Minh Đức kiến nghị Chính phủ, địa phương và các cơ quan chức năng cần có những chính sách cụ thể, minh bạch và đồng bộ trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí. Cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng cần xác lập công khai, minh bạch, đi đôi với bố trí kinh phí xứng tầm với nhiệm vụ, xây dựng định mức tài chính cụ thể đối với báo chí - truyền thông. Nhà nước không nên áp dụng chung cơ chế tài chính của cơ quan báo chí như là đơn vị sự nghiệp công lập mà cần có chính sách riêng.

Nêu quan điểm các cơ quan báo chí cần chủ động trong việc đề nghị đặt hàng, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Hòa Văn nêu quan điểm: Đặt hàng sản phẩm nào, đặt cho cơ quan báo chí nào, thiết nghĩ các cơ quan báo chí nên chủ động nghiên cứu, báo cáo cơ quan chủ quản để trình lên trên về kế hoạch thực hiện cơ chế đặt hàng. Trong qua cơ chế này sẽ giúp các cơ quan báo chí thanh lọc được cán bộ, phóng viên, biên tập viên yếu kém. Chất lượng nhân lực phải đủ điều kiện thực hiện các sản phẩm theo cơ chế đặt hàng. Đồng thời, các cơ quan báo chí phải liên kết với nhau để thực hiện cơ chế đặt hàng. 

Chú thích ảnh
Nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, việc đặt hàng cho các cơ quan báo chí cần nhìn từ hai phía. Một là nhu cầu của Nhà nước cần có những sản phẩm báo chí để phục vụ công tác lãnh đạo và điều hành đối với các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhưng bản thân báo chí phải tỏ rõ khả năng có thể tiếp ứng được vấn đề để chủ động đưa ra đề xuất; từ đó mới hình thành các đơn đặt hàng. Cũng có thể tính đến phương án đặt hàng một cách hệ thống cho việc báo chí phục vụ những nhiệm vụ đột xuất của đất nước. Khi có vấn đề gì xảy ra như dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt..., báo chí phải tham gia trên tuyến đầu sẽ được sử dụng đề án đó cho báo chí hoạt động, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. 

Hội Nhà báo cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng, địa phương có những chính sách đồng bộ trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí, như: cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng cần xác lập một cách công khai, minh bạch, đi đôi với việc bố trí kinh phí xứng tầm với nhiệm vụ và xây dựng định mức tài chính cụ thể đối với báo chí truyền thông. 

Báo chí hướng đến những giá trị tốt đẹp

Trong thời đại công nghệ số, bất cứ tòa soạn, cơ quan báo chí nào cũng đều cần áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, thu hút người đọc. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí truyền thống, hơn lúc nào hết các cơ quan báo chí cần có chiến lược phát triển lâu dài để có thể đứng vững trước những "cơn bão" càn quét mang tính toàn cầu. 

Nhấn mạnh vấn đề sống còn của báo chí hiện nay là "nội dung là Vua" và "Công nghệ là Nữ hoàng", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi phân tích: Ở bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí ngoài việc chú trọng phát triển nội dung rất cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật. Trong thời gian khá dài, các cơ quan báo chí vẫn phát triển chiến lược lấy công chúng làm trọng tâm, tuy nhiên, giờ đây câu chuyện đã khác, công nghệ thay đổi nhanh đến mức báo chí truyền thống không biết nền tảng nào là quan trọng nhất trong việc tiếp cận công chúng. Một ví dụ khá điển hình đó là tờ Washington Post (Mỹ) từ khi thuộc về sở hữu của ông chủ Amazon Jeff Bezos đã phát triển vượt bậc. Mô hình này đạt được nhiều thành công ở một số nước như: Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều đó cho thấy ngoài chú trọng về nội dung, các cơ quan báo chí cũng cần đầu tư mạnh cho giải pháp kỹ thuật, bởi nếu không có sự hỗ trợ về công nghệ, một tờ báo lớn thậm chí có thể "thua" các blogger về mức độ lan tỏa thông tin.  

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lưu Đình Phúc cũng cho rằng cùng với việc củng cố, đổi mới về nội dung, việc đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến cho báo chí là cơ sở để có thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới. Các nền tảng công nghệ đang cấu hình lại các thuật toán của họ để tôn trọng hơn người dùng khi họ đang phải đối mặt với những cáo buộc, đe dọa pháp lý. Tuy nhiên thay đổi công nghệ cho thấy không có dấu hiệu chậm lại. Trí tuệ nhân tạo cung cấp khả năng có nhiều dịch vụ tin tức dành cho cá nhân hơn, những cách mới để khám phá những câu chuyện cũng như những cách đóng gói và phân phối nội dung hiệu quả hơn. Blockchain cuối cùng sẽ mở ra các hình thức thanh toán và xác minh mới, trong khi trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới để truy cập phương tiện truyền thông thuộc mọi loại hình. Trong bối cảnh đó, báo chí sẽ cần phải rõ ràng hơn hết khi đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của cơ quan, tổ chức và về đối tượng bạn đọc mà báo chí đang phục vụ. Báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn lực độc đáo của mình với làm sóng công nghệ mới này, hướng đến tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai. 

Theo ông Lưu Đình Phúc, hiện nay một số loại hình công nghệ truyền thông được dự báo sẽ rất phát triển trong tương lai gần là: trí tuệ nhân tạo, phóng viên robot, trợ lý riêng kích hoạt bằng giọng nói, chatbot, internet vạn vật (IoT), tìm kiếm bằng hình ảnh và thực tế ảo, các cơ quan báo chí có thể nghiên cứu và cân nhắc trong việc ứng dụng trong tình hình thực tế. Ngoài ra, các nền tảng công nghệ vượt trội hiện nay giúp báo chí có thể có thêm bản app và phát triển thêm nguồn thu, quản trị người dùng, tăng traffic cho báo như Appnews Vietnam. Một số tập đoàn công nghệ trong nước cam kết đồng hành chuyển đổi số cùng báo chí, đây là cơ hội báo chí cần tận dụng để được tư vấn, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, như: tư vấn dịch vụ phân tích dữ liệu Al phục vụ quy trình nghiệp vụ báo chí; hỗ trợ các báo trong việc lưu trữ, hosting hoặc trên Cloud với chi phí tối ưu nhất và sử dụng trao đổi, quảng cáo của báo; hỗ trợ các báo trong kết nối internet băng rộng và dịch vụ mạng phân phối nội dung với chi phí tối ưu; cung cấp giải pháp hỗ trợ báo điện tử trong quản lý tin, tùy biến nội dng cho từng người đọc, phát hiện tin giả và chống giả tin bài, phát hiện tin bị cóp nhặt...

Thay đổi nhận thức để có cách làm mới là cơ hội để báo chí tìm cho mình hướng đi trong tương lai. Báo chí phải tìm lại, bồi đắp những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng, đồng thời, nhận sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, độc hại, tạo dòng chảy chính của thông tin hướng đến những giá trị tốt đẹp, xây dựng niềm tin xã hội. Khi báo chí mang lại những giá trị cho cộng đồng, đó là cách báo chí giành lại người đọc, người xem- ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.

Phúc Hằng (TTXVN)
Báo chí đối phó với khủng hoảng sau dịch COVID-19 - Bài 2: Đa dạng hóa nguồn thu, chuyện không đơn giản
Báo chí đối phó với khủng hoảng sau dịch COVID-19 - Bài 2: Đa dạng hóa nguồn thu, chuyện không đơn giản

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều nhà quảng cáo đã quyết định trì hoãn các chiến dịch marketing.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN