Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai đã huy động nguồn lực ngân sách và từ sự ủng hộ của xã hội để chăm lo cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Các cơ quan cấp tỉnh không giữ tiền cũng như lương thực, thực phẩm mà cần lập tức phân bổ nguồn lực này về huyện, thành phố, từ đó đưa ngay tới xã, phường để phân chia cho người dân. Nếu để người dân thiếu đói, cấp ủy, Bí thư các cấp ở Đồng Nai phải chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, do cuộc sống khó khăn và nhiều lý do khác, hiện một số người phải lang thang, chính quyền các huyện, thành phố cần thành lập Tổ công tác nhằm hỗ trợ, chăm lo cho đối tượng này. Những trường hợp xem thường kỷ cương, cố tình vi phạm phòng, chống dịch phải xử lý nghiêm minh. Các đơn vị liên quan tại Đồng Nai cần công bố rộng rãi đường dây nóng về y tế, an sinh xã hội. Đường dây nóng phải hoạt động liên tục để người dân khi gặp khó khăn gọi đến và lập tức nhận được sự hỗ trợ, qua đó củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, khi thực hiện giãn cách xã hội, lãnh đạo tỉnh đã cân nhắc rất nhiều. Bởi đây là một quyết định khó khăn, nó ảnh hưởng đến kinh tế, làm đảo lộn sinh hoạt của cộng đồng. Đồng Nai đã hi sinh các lợi ích để giãn cách xã hội, tuy nhiên ở một số nơi, giãn cách vẫn chưa nghiêm. Tới đây, các huyện, thành phố cần phân công lãnh đạo đi từng địa bàn để kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch.
Đồng Nai đang tiến hành chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng, quá trình xét nghiệm sẽ được thực hiện song song với việc tiêm vaccine phòng COVID-19.
Ông Cao Tiến Dũng chia sẻ, mọi người dân Đồng Nai đều có quyền lợi như nhau, việc phân bổ vaccine được tỉnh thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng. Tuy nhiên, do lượng vaccine chưa đủ, tỉnh phân bổ trước cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người già, công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp "3 tại chỗ", người dân sống trong khu phong tỏa, cách ly y tế.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Đồng Nai đang hạn chế người dân ra đường, muốn làm được điều này, chính quyền phải lo cho người dân những thứ thiết yếu. Các xã, phường nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để khi nguồn hỗ trợ về đến địa phương là phân bổ ngay tới tay người dân; nếu phân bổ chậm, việc hỗ trợ không còn nhiều ý nghĩa.
Tại cuộc họp, Sở Y tế cho biết, đến ngày 23/8, Đồng Nai ghi nhận gần 18.500 ca mắc COVID-19. Đây là một trong 4 địa phương có nhiều ca mắc nhất ở nước ta. Từ nay đến cuối tháng 8/2021, tỉnh sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 2,1 triệu dân và tiêm vaccine cho hàng trăm nghìn người. Tuy nhiên, nhiều huyện, thành phố trong tỉnh đang thiếu nhân lực trong quá trình xét nghiệm, tiêm vaccine COVID-19.
Theo đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn có hàng trăm nghìn công nhân nhập cư đang sống trong các khu nhà trọ. Từ giữa tháng 7 đến nay, hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh đã tạm ngưng hoạt động, đời sống công nhân, đặc biệt những người ở trọ gặp nhiều khó khăn. Chính quyền các địa phương cần tăng cường rà soát, thống kê số công nhân ở các khu nhà trọ để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, giúp họ yên tâm ở lại.