Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giao thông vận tải ký kết chương trình phối hợp công tác

Chiều 1/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Giao thông vận tải và Ban Tuyên giáo trung ương chiều 1/3 tại Hà Nội. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông vận tải là ngành kinh tế kỹ thuật đặc biệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về khủng hoảng truyền thông. Nếu nguồn vốn được bố trí nhưng triển khai không hiệu quả, dự án thực hiện không được như kỳ vọng, việc duy tu sửa chữa đường bộ không kịp thời gây tai nạn giao thông… đều có nguy cơ trở thành những "điểm nóng".
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thời gian qua, việc truyền thông, xử lý các điểm nóng của ngành giao thông vận tải chủ động hơn. Trước mỗi vấn đề dư luận quan tâm hoặc hoài nghi, Bộ Giao thông vận tải đều chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng cung cấp thông tin chính thống để không xảy ra khủng hoảng không đáng có. Mặc dù vậy, có những vấn đề phức tạp, công tác xử lý vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
 
"Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giao thông vận tải giúp ngành giao thông Vận tải phát triển tốt hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, các vấn đề được dư luận, báo chí quan tâm như: Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, 2; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án giao thông được đề xuất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… cùng các vấn đề nóng của ngành như: tai nạn giao thông, thu phí không dừng, phòng chống tham nhũng… Bộ Giao thông vận tải mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Ban Tuyên giáo Trung ương để thông tin được minh bạch, sự đồng thuận của người dân được nâng lên, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ đạt được hiệu quả cao", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
 
Ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: "Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược, thời gian qua, Đảng và Nhà nước giao cho ngành giao thông vận tải nhiều nhiệm vụ nặng nề như: Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc; Cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025; Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nghiên cứu tuyến đường sắt Bắc đường sắt cao tốc Bắc - Nam; hoàn thành, phát triển các tuyến đường sắt đô thị,… Đây đều là những công trình quan trọng, tháo gỡ nút thắt cho kinh tế phát triển".
 
Cũng theo ông Lại Xuân Môn, nắm giữ vai trò quan trọng, áp lực của ngành giao thông vận tải cũng rất lớn khi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông luôn gắn với lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Chưa kể, các vấn đề về tiến độ, chất lượng công trình cũng luôn được xã hội dành sự quan tâm đặc biệt.
 
Ông Lại Xuân Môn đề nghị để quá trình phối hợp đạt hiệu quả cao nhất, Bộ Giao thông vận tải cần kịp thời cung cấp các thông tin về mọi lĩnh vực của ngành để Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng báo chí tuyên truyền, kịp thời xử lý thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối, chính sách lĩnh vực giao thông vận tải.
 
Trước đó, thông qua chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giao thông vận tải, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, chương trình phối hợp sẽ tập trung vào 5 nội dung chính.
 
Cụ thể, hai bên sẽ phối hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Đồng thời, hai bên phối hợp cung cấp, định hướng thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, gây cản trở tới việc triển khai chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến ngành giao thông vận tải.
 
Bên cạnh đó, hai bên xây dựng chủ trương, giải pháp tuyên truyền thông tin khi triển khai các dự án, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ môi trường; bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, an ninh quốc gia; những vấn đề có nội dung được nhân dân quan tâm.
 
Mặt khác, hai bên sơ kết, tổng kết, xây dựng mới và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, đề án về giao thông vận tải.
 
Nội dung cuối cùng là tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và những điển hình tiên tiến trong ngành giao thông vận tải.

Quang Toàn (TTXVN)
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rút ngắn tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rút ngắn tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Giám đốc các Ban Quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận; Giám đốc các doanh nghiệp dự án: Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt), Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang Cam Lâm, Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo yêu cầu rà soát, xây dựng giải pháp rút ngắn tiến độ các Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN