Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:

'Bài học về sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại'

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Pari về Việt Nam (1968-1973), bà Nguyễn Thị Bình đại diện cho đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tham gia đàm phán trên bàn Hội nghị. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất ký tên trong bản Hiệp định Pari cách đây 40 năm với tư cách là Bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau này, bà đảm nhận cương vị Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pari về Việt Nam (27/1/1973 – 27/1/2013), phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc gặp và phỏng vấn Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của Hiệp định Pari 40 năm về trước. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.


PV: Là nữ bộ trưởng ngoại giao duy nhất trong Hội nghị Pari, xin bà cho biết cảm xúc của mình khi đảm nhận nhiệm vụ thiêng liêng nhưng cũng đầy khó khăn này?


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Khi được giao nhiệm vụ đi Pari tham dự Hội nghị, tôi rất lo lắng, vì biết đây là nhiệm vụ rất quan trọng và rất khó khăn. Hơn nữa, tôi lại không phải là người được đào tạo bài bản ở trường ngoại giao, nên cũng khá lo lắng. Bởi tôi biết, tham gia một cuộc đàm phán tức là tham gia một cuộc đấu tranh chính trị là điều không đơn giản. Tuy nhiên, khi đó tôi nghĩ rằng, các đồng chí lãnh đạo đã cân nhắc khi cử tôi đi làm nhiệm vụ này, thì chắc các đồng chí nghĩ tôi có đủ điều kiện và khả năng đảm nhận công việc này nên tôi đã tự tin lao vào công việc, và thực tế là tôi cũng đã rất cố gắng.


PV: Trước khi hiệp định Pari được ký kết năm 1973, thì thời gian đàm phán quyết định nhất là thời gian nào, thưa bà?


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Cuộc đàm phán 4 bên ở Pari bao gồm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa với mục đích nhằm tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong suốt thời gian gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán, có rất nhiều lúc căng thẳng. Nhưng căng thẳng nhất là vào những tháng cuối năm 1972. Lúc đó, tình hình chiến trường cũng tạo cho ta những điều kiện thuận lợi so với đối phương. Mặt khác, lúc bấy giờ Tổng thống Mỹ Nixon cũng sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử thứ 2, nên phía Mỹ cũng muốn tỏ ra cuộc đàm phán Pari đã đi đến kết thúc, điều mà nhân dân thế giới nói chung và nhân dân Mỹ rất mong đợi, nên hai bên ta và Mỹ đã đi vào thương lượng thực chất (trước đó không phải thương lượng mà nói cho đúng là cuộc đấu tranh về chính trị, về lý lẽ trên bàn Hội nghị và trong dư luận quốc tế) để chấm dứt chiến tranh. Hai bên đã đi đến thỏa thuận về một dự thảo Hiệp định.


Tuy nhiên, phía Mỹ chưa phải là muốn chấm dứt chiến tranh thực sự, mà đó chỉ là ý đồ của Tổng thống Nixon, muốn cho mọi người thấy có thể chấm dứt chiến tranh để tranh thủ sự ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ, do đó hai bên đã đi đến thỏa thuận một bản Dự thảo cơ bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Bởi vậy, ngay khi Tổng thống Mỹ Nixon đạt được mục đích là thắng cử ngày 4/11/1972, Mỹ đã lật lọng, đặt ra vấn đề xem xét lại Dự thảo Hiệp định Pari, gây sức ép buộc ta sửa đổi một số điều không có lợi cho Mỹ trong Dự thảo Hiệp định. Đỉnh điểm của sự ép buộc đó là cuộc không kích 12 ngày đêm bằng B52 vào Hà Nội. Sau khi thất bại, buộc phải ngừng ném bom B52 xuống Hà Nội ngày 30/12/1972, Mỹ đã đặt vấn đế quay lại bàn ngoại giao để bàn về Hiệp định Pari. Tôi cho rằng đó là giai đoạn hết sức căng thẳng. Nếu chúng ta không thắng ở trận Điện Biên Phủ trên không, chắc chắn sẽ rất phức tạp. Nhưng Mỹ đã thất bại hoàn toàn trên bầu trời Hà Nội, do đó Mỹ buộc phải đi đến ký kết Hiệp định cơ bản như Dự thảo hai bên đã thỏa thuận cuối năm 1972.


Sáng 25/1/2013, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 40 năm Ngày ký Hiệp định Pari. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


PV: Xin bà cho biết, chúng ta đã đặt ra mục tiêu gì, và đã đạt được gì từ Hiệp định Pari và đâu là nhân tố quyết định thành công trên bàn đàm phán?


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Có thể nói, Hiệp định Pari là kết quả của cả một cuộc chiến đấu trường kỳ 20 năm của quân và dân ta. Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đến năm 1955 ta đã bắt đầu cuộc đấu tranh, nhưng đến năm 1959, chúng ta vừa đấu tranh vũ trang, đồng thời vừa kết hợp đấu tranh chính trị. Như vậy, kết quả của Hiệp định là kết quả của cả một cuộc đấu tranh kéo dài, một cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện. Thắng lợi đây là thắng lợi về quân sự, đồng thời là thắng lợi về chính trị và cũng là thắng lợi về ngoại giao. Nếu nói đâu là kết quả của thắng lợi thì phải nói về cả một cuộc đấu tranh lâu dài và thắng lợi trên các mặt trận để đi đến thúc ép Mỹ ký Hiệp định Pari.


PV: Theo bà, từ cuộc đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Pari có thể rút ra những bài học quý báu nào cho công tác ngoại giao sau này?


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Tôi nghĩ rằng, Hội nghị Pari trải qua hơn 4 năm, nếu nói cho đúng, trước đó chúng ta cũng đã quan tâm đến vấn đề đấu tranh trên mặt trận dư luận, ngoại giao, nhưng tập trung ở cuộc đàm phán 4 bên ở Pari. Với nhân dân ta nói chung, đặc biệt là các đồng chí làm công tác ngoại giao thì tôi nghĩ, cuộc đấu tranh ở Hội nghị cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu, và những bài học đó vẫn có giá trị cho cả ngày nay và mai sau. Theo tôi, trước hết cuộc đấu tranh của chúng ta rất phức tạp, bởi tuy là cuộc đấu tranh giữa ta và Mỹ, nhưng cũng là mối quan tâm của nhiều nước lớn trên thế giới. Bài học đầu tiên từ Hội nghị trước hết là bài học về độc lập tự chủ. Chúng ta giữ vững nguyên tắc về độc lập tự chủ, chúng ta phải xuất phát từ lợi ích quốc gia của mình, phải biết là lực lượng mình như thế nào, đối phương như thế nào để quyết định từng bước đi và luôn luôn có sự kết hợp giữa chiến trường và trên mặt trận ngoại giao.


Bài học thứ 2 là chúng ta phải hết sức kiên định đối với lập trường nguyên tắc và mục tiêu chiến lược của chúng ta, tuy nhiên, trong sách lược phải biết mềm dẻo. Ví dụ, chúng ta đặt ra mục tiêu trong cuộc đàm phán hai yêu cầu: Yêu cầu thứ nhất là Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam. Yêu cầu thứ 2 là phải bỏ chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, để nhân dân Việt Nam lựa chọn chính quyền của mình. Nhưng khi tình hình đến một mức nào đó, thì chúng ta tập trung vào một mục tiêu là Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam. Vì chúng ta biết, khi Mỹ rút quân và chấm dứt sự can thiệp ở miền Nam Việt Nam, thì vấn đề miền Nam Việt Nam chúng ta sẽ có điều kiện giải quyết và giành được thắng lợi.


Một bài học lớn nữa là chúng ta biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Nghĩa là chúng ta phải trông vào sức mình, do đó về mặt chính trị, quân sự chúng ta đều hết sức cố gắng, nên chúng ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy, trong một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, với một đối phương mạnh hơn chúng ta nhiều lần, thì chúng ta cũng phải biết trông vào sức mạnh đoàn kết quốc tế, và điều đó chúng ta đã làm được. Có thể nói, phong trào đoàn kết quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Đó chính là sức mạnh to lớn góp sức thêm vào cuộc đấu tranh, vào sức mạnh dân tộc của chúng ta, do đó mà chúng ta đã đạt được thắng lợi.


PV: Là người đã tham gia và đóng góp nhiều công sức trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, bà có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ hôm nay?


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Trước hết, các thế hệ trẻ ngày nay cần thấy được giá trị của độc lập, tự do mà cha ông ta đã giành được. Các bạn trẻ hãy ghi nhớ, để các bạn có cuộc sống như ngày hôm nay, là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và trí tuệ của dân tộc Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh gian khổ. Đã có nhiều thế hệ cha, ông đã phải hy sinh, đổ xương máu trong mấy chục năm chiến tranh rất ác liệt để gìn giữ đất nước. Cũng chính từ những cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta mà thế giới đã biết đến, khâm phục và rất trọng thị đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.


Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta chưa phát triển được theo cách như chúng ta mong muốn nên cần phải cố gắng rất nhiều. Thế hệ trẻ cần biết suy nghĩ và vươn lên. Bây giờ chưa phải là lúc mình hưởng thụ, mà phải tiếp tục sự nghiệp này như Bác Hồ đã nói: Mình có độc lập, có hòa bình, nhưng đất nước chưa phát triển, nhân dân chưa hạnh phúc, thì độc lập đó chưa có ý nghĩa đầy đủ. Nên bây giờ chúng ta phải tiếp tục một cuộc đấu tranh mới, cuộc đấu tranh này tuy không gian khổ, không chết chóc như trước, nhưng nó cũng đòi hỏi một sự phấn đấu, nỗ lực không phải chỉ của một số người, mà của cả nhân dân, cả dân tộc.


PV: Xin cảm ơn Nguyên Phó chủ tịch nước vì cuộc trò chuyện này!



Phương Lan (thực hiện)


Việt kiều Pháp hết lòng vì Hiệp định Pari
Việt kiều Pháp hết lòng vì Hiệp định Pari

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Pari (27/1/1973 - 27/1/2013), phóng viên TTXVN tại Pháp đã gặp gỡ một số Việt kiều từng chứng kiến và tham gia tích cực các hoạt động ủng hộ đoàn đại biểu Việt Nam tham dự cuộc đàm phán, góp phần không nhỏ vào thành công của hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN