Bậc tiểu học sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với dịch COVID-19 trong năm học mới

Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 764 điểm cầu trên cả nước để tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến được tổ chức tại 1 điểm cầu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 63 điểm cầu tại 63 Sở GD&ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện.

Tại Hội nghị, ngành giáo dục xác định hai nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục tiểu học cho năm học mới.

Đó là, bậc tiểu học chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Chú thích ảnh
Năm học mới, học sinh trên cả nước có khả năng phải học trực tuyến vì dịch COVID-19 vẫn phức tạp. Ảnh: TTXVN

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai ngành Giáo dục đặt ra trong năm học mới là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19; chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng thống nhất với các địa phương tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp học sinh phải tạm dừng đến trường nhưng việc học vẫn không gián đoạn.

Năm học 2020-2021 toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học với 16.323 điểm trường, giữ ổn định so với năm học trước. Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình cả nước là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 (0,75%) phòng. Cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước. Tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27. Hiện nay, toàn quốc có 406.636 giáo viên cấp tiểu học, tăng 6.140 so với năm học trước. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản bảo đảm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Nhìn lại năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đánh giá, đây là năm đặc biệt với ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.  

Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước.  Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019 - 2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến.  

Bộ GD&ĐT đánh giá, ngành Giáo dục cả nước nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực phòng chống dịch COVID-19, vừa triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 và Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với các lớp 2, 3, 4, 5. Bộ GD&ĐT ban hành nhiều Thông tư, văn bản kế hoạch, công văn, để kịp thời hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Tiểu học, trong đó tập trung triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.      

Lê Vân/Báo Tin tức
Tranh cãi về học trực tuyến vẫn 'nóng' sau hơn 1 năm đại dịch COVID-19
Tranh cãi về học trực tuyến vẫn 'nóng' sau hơn 1 năm đại dịch COVID-19

Nhiều trường hiện buộc phải cho học sinh học trực tuyến ở nhà khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN