Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 940 năm Chiến thắng Như Nguyệt (1077 - 2017). |
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đại diện một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, đại diện tỉnh Bắc Ninh cùng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đã dự lễ kỷ niệm.
Vào thế kỷ XI, cuộc kháng chiến chống Tống của quân và dân Đại Việt, dưới thời Vương triều Lý, là cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, đỉnh cao là trận quyết chiến mang tính chiến lược mà Thái úy Việt quốc công Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) vào mùa xuân 1077 để ngăn chặn quân giặc.
Đây là phòng tuyến chiến lược, dựa vào thế núi, sông, đồng trũng, ruộng lầy kéo dài hơn 10 km đường đê qua các xã Tam Giang, Tam Đa huyện Yên Phong đến Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) để chặn đứng 30 vạn quân xâm lược của nhà Tống. Phòng tuyến sông Như Nguyệt cũng là nơi bài thơ "Nam quốc sơn hà" - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam ra đời, mở màn một thời kỳ thịnh trị, tự chủ của nước Việt.
Trận đánh trên sông Như Nguyệt nằm trong tổng thể ý đồ tác chiến chiến lược của Lý Thường Kiệt (tiến công sang đất địch - tổ chức phòng ngự chiến lược để phản công đánh bại hoàn toàn ý đồ xâm lược của chúng) là bước phát triển của nghệ thuật giữ nước, khẳng định chủ quyền dân tộc. Ta đã chủ động phòng ngự, phòng ngự trong thế giặc mạnh và phòng ngự thắng lợi.
Trong tác chiến, ta đã kết hợp phòng ngự chính diện với đánh địch ở phía sau, khiến quân địch bị tiêu hao. Sau đó, nắm thời cơ, ta bất ngờ tung ra đòn phản công mạnh tiêu diệt tập đoàn chủ yếu của địch, kết thúc chiến tranh. Cùng với các đòn tiến công sang đất địch, trận Như Nguyệt một lần nữa khẳng định cách đánh nhanh của quân đội nhà Lý.
Để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, các bậc tiền nhân và tôn vinh công đức của Lý Thường Kiệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Quy hoạch, dự án Phân khu du lịch, lịch sử - văn hóa Chiến tuyến Như Nguyệt, trên địa bàn xã Tam Giang.
Ngay sau lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Bắc Ninh, huyện Yên Phong cùng đông đảo nhân dân địa phương đã tham gia lễ động thổ khởi công xây dựng đền thờ Lý Thường Kiệt. Công trình này sau khi hoàn thành sẽ là nơi đón nhận du khách đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm cũng như tinh thần nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta.
Dự án xây dựng đền thờ Lý Thường Kiệt có tổng diện tích 253,4 ha, chia làm 5 phân khu; trong đó phân khu 1 đền chính gồm 8,7 ha, tổng mức đầu tư 158 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2017 dự án cơ bản hoàn thành.