Ba xã bị ngập lụt tại huyện Chương Mỹ là vùng thấp, không được ở

Chiều 17/10, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) thành phố Hà Nội cho biết: Đê Hữu Bùi (hay còn gọi là đê Bùi 2, Chương Mỹ, Hà Nội) chỉ bị xói mái đê và lún sụt, sau đó vỡ đê.

Ông Trần Thanh Nhã thông tin về khắc phục mưa lũ tại huyện Chương Mỹ.

Về phát ngôn của ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục Trưởng Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội rằng việc đê Bùi 2 “vỡ trong kế hoạch”, ông Trần Thanh Nhã cho biết: Trong nghề không có câu này, đây là câu nói trong một ngữ cảnh nào đó. Đê Bùi 2 được thiết kế trong nhiệm vụ đến báo động 2 là phải tràn, chứ không phải để giữ nước ở đây. Còn việc đê đất tràn đến đâu gây lún sụt đến đấy, là rất khó lường.


Cụ thể diễn biến tình hình, ông Trần Thanh Nhã thông tin: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9-12.10, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có mưa lớn, lượng mưa đạt tới 340mm. Đồng thời, khu vực huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) cũng có mưa lớn (khoảng 500-600mm). Nước từ Lương Sơn đổ về sông Bùi nhiều, cộng với mưa trong lưu vực huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức làm mực nước sông Tích, sông Bùi dâng cao và nhanh, cường độ lớn. Trên các sông, mực nước đều vượt mức báo động 3.


Khoảng 6h30 ngày 11/10, đoạn đê bao Hữu Bùi (đê Bùi 2), địa bàn thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến sau khi bị tràn đã xảy ra sự cố xói mái đê và lún sụt khoảng 7m đê bao, mặt đê bê tông bị hạ thấp từ cao trình +7m xuống cao trình +4m đến 4,5m. Trên đoạn đê bao này, phần mặt đê bê tông nằm trong phạm vi dự án tu bổ nâng cấp đê Hữu Bùi, huyện Chương Mỹ (dự án chỉ đổ bê tông mặt đê không gia cốthân và mái đê).


Ngay khi xảy ra sự cố, Sở NNPTNT đã phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ huy động lực lượng thiết bị máy móc vật tư để xử lý sự cố, ngăn chặn diễn biến sạt lở, sự cố không có thiệt hại vềngười.


Đến ngày 16/10, lực lượng xử lý sự cố đã hàn khẩu xong vị trí đê xảy ra sạt mái, lún sụt. Hiện nay, diễn biến sự cố không phát triển thêm, mực nước đã rút dần. Sở NN& PTNT đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi và tổ chức khắc phục sự cố công trình.


“Đê Bùi 2 có nhiệm vụ là ngăn lũ và kết hợp với giao thông, nên Hà Nội chỉ mới làm cứng mặt đê để người dân đi lại, lao động sản xuất. Khi có báo động 1 và 2, chúng tôi đã báo cho người dân biết và đi sơ tán nên không có thiệt hại về người, chỉ có thiệt hại về gia súc, gia cầm, hoa màu", ông Nhã cho biết.


Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội, đợt mưa lũ từ 10-12/10 đã gây thiệt hại nặng cho Hà Nội, cụ thể đã có 2 người chết, 8.391 nhà bị ngập nước, 4.688 hộ dân phải sơ tán; 319ha lúa, 373ha cây ăn quả, 6.111 ha cây ngô, rau màu vụ đông bị ngập, hư hại; đồng thời có 1.916 con gia súc, 108.345 con gia cầm bị chết; 720m2 chuồng trại bị ngập; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập; 115m đường giao thông bị sạt lở; 6.899ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại; 2 trạm biến thế bị hư hỏng.


Ông Nhã cho biết, theo quy định, khu vực 3 xã bị ngập lụt tại huyện Chương Mỹ là vùng thấp không được ở mà phải di dời. Trước đó, tại buổi làm việc với UBND huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tìm nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng di dời các hộ dân trong vùng ngập úng lên vị trí cao hơn.


XC/Báo Tin Tức
Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trạm Tấu - Yên Bái
Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trạm Tấu - Yên Bái

Trận mưa lũ lịch sử ngày 11/10 đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện vùng cao Trạm Tấu - Yên Bái. Đến nay, đã có 13 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị sập... Nhiều thôn bản bị chia cắt do sạt lở đất đá, hệ thống giao thông liên thôn bản, cầu treo bị mưa lũ cuốn trôi và hư hỏng nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN