Đó là Hội thảo về Danh mục Kiểm tra Đóng mỏ của Chính phủ của Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF), các cuộc họp của Nhóm bạn về người khuyết tật (GoFD) và Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế (PPWE), Hội thảo Giấy chứng nhận của Tiểu ban về Tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Diễn đàn Hợp tác An toàn Thực phẩm (FSCF) và Mạng lưới các viện đào tạo hợp tác (PTIN).
Quang cảnh hội thảo về Danh mục Kiểm tra Đóng mỏ của Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đây là những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện lớn thứ 2 của Năm APEC 2017. Chuỗi sự kiện này sẽ kéo dài tới ngày 21/5 với hơn 50 cuộc họp, hội thảo, đối thoại của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực như tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, phụ nữ và kinh tế, an toàn thực phẩm, khoa học, công nghệ và sáng tạo, công nghiệp ô tô…
Các hoạt động đáng chú ý trong chuỗi sự kiện này gồm: Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, cuộc họp của Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM2) và Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23).
Trong dịp này, 7 bộ, ngành của Việt Nam (gồm Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhận vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác của APEC.
Theo Ban Thư ký APEC, các sự kiện lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017, và có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến, cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017, đồng thời định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên lãnh đạo các nền kinh tế và các bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.
Được thành lập vào năm 1989, hiện nay, APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới, đóng góp khoảng 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu (tính đến tháng 11/2016).