Dự án này do nhóm nghiên cứu gồm các giáo sư, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, một số cựu chiến binh Australia đã từng tham chiến tại Việt Nam thuộc Trung tâm nghiên cứu Xung đột vũ trang, Đại học New South Wales thực hiện. Cùng đi với đoàn có ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia, và Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết hậu quả để lại sau chiến tranh đối với Việt Nam là hết sức nặng nề, đặc biệt là vấn đề khắc phục bom mìn, chất độc da cam/đi-ô-xin và tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh. Hiện nay, số hài cốt quân nhân Việt Nam hy sinh trong chiến tranh còn gần 200.000 trường hợp cần phải tiếp tục xác minh, tìm kiếm. Đây là vấn đề xã hội hết sức cấp thiết, có ý nghĩa lớn lao và linh thiêng đối với Việt Nam tuy nhiên công việc này càng về sau càng khó khăn. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có mở rộng hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thu thập được nhiều thông tin, tìm kiếm được nhiều hài cốt liệt sĩ. Các cựu chiến binh Mỹ, Australia, Thái Lan, Hàn Quốc… đã đến Việt Nam và cung cấp cho các cơ quan chức năng Việt Nam nhiều thông tin chính xác về nơi chôn cất bộ đội Việt Nam.
Thượng tướng Lê Chiêm hoan nghênh nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Xung đột vũ trang, Đại học New South Wales đã dày công thực hiện đề án và cho rằng “Dự án số hóa thông tin liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ” mang ý nghĩa nhân đạo rất cao và thiện chí của Chính phủ Australia.
Trong khi đó, ông Harvinder Sidhu, Phó Hiệu trưởng Đại học New South Wales nồng nhiệt chào mừng đoàn công tác của Việt Nam và cho biết: “Dự án số hóa thông tin liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ” được tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm với sự đóng góp công sức tự nguyện của rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, quân nhân trong quân đội Australia. Mặc dù có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án nhưng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu xung đột vũ trang, Đại học New South Wales đã nỗ lực thu thập thông tin, tài liệu của Bảo tàng chiến tranh Australia, các đơn vị quân đội Australia, quân đội Mỹ và quân đội các quốc gia tham gia cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam và mong muốn chuyển giao kết quả ban đầu cho Chính phủ Việt Nam. Khi dự án đưa vào ứng dụng sẽ là cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về các địa điểm an táng các quân nhân Việt Nam hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bước đầu dự án được xây dựng một kho dữ liệu bao gồm khoảng 6.500 sự vụ chiến đấu và sẽ cung cấp danh tính cụ thể và các địa điểm chôn cất khoảng 460 quân nhân Việt Nam.
Cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tổng thư ký Bộ các vấn đề Cựu chiến binh Australia. Tại đây, đồng chí Lê Chiêm đề nghị Bộ Cựu chiến binh Australia thông báo đến toàn thể các cựu chiến binh biết về chủ trương, sự quan tâm của Chính phủ và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt quân nhân hy sinh trong chiến tranh; đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam sưu tầm, chia sẻ, cung cấp cho Việt Nam những thông tin, tài liệu liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh. Việt Nam sẵn sàng đón các tập thể, cá nhân đến trực tiếp cung cấp thông tin và xác định vị trí chôn cất quân nhân Việt Nam tại thực địa.
Bà Elizabeth Cosson, Tổng Thư ký Bộ các vấn đề Cựu chiến binh Australia vui mừng chào đón đoàn; đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để cùng với Việt Nam xoa dịu nỗi đau của chiến tranh ở Việt Nam. Bà Elizabeth Cosson cũng gửi lời cảm ơn Việt Nam đã tạo cơ hội cho các cựu chiến binh Australia quay lại chiến trường để họ có cơ hội được thực hiện những điều còn trăn trở sau cuộc chiến.