Tham dự hội nghị có Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Hội nghị có vai trò quan trọng trong việc Định hướng hợp tác cho Năm ASEAN 2020 và chuẩn bị cho Hội nghị ADMM, ADMM+ vào cuối năm 2020.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng bàn thảo để ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh.
Sau phần phát biểu khai mạc của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, các đại biểu dự Hội nghị đã trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, hợp tác nội khối; thông báo một số nội dung sẽ thúc đẩy và các hoạt động sẽ được tổ chức trong năm 2020; thống nhất về nguyên tắc một số nội dung, đặc biệt là hai bản Tuyên bố chung của ADMM và ADMM+…
Chia sẻ tại hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Trưởng đoàn Việt Nam, nhấn mạnh: Từ khi được tổ chức lần đầu tiên tại Malaysia vào năm 2006, cho đến nay, ADMM ngày càng khẳng định là cơ chế hợp tác, đối thoại, trao đổi hiệu quả cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng tạo nền tảng thúc đẩy và hình thành các sáng kiến hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống như quân y, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa…, qua đó góp phần xây dựng lòng tin, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước. Đây cũng là nền tảng để tạo ra cơ chế đối thoại, hợp tác quốc phòng mới giữa ASEAN với các nước đối tác, cụ thể là ADMM+ với ADMM giữ vai trò trung tâm.
Đánh giá về ADMM+, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng cơ chế này đã thể hiện được vai trò là diễn đàn tham vấn về chính sách quốc phòng ở cấp Bộ trưởng; đồng thời, là cơ chế để thúc đẩy hợp tác thực chất về quốc phòng, tăng cường khả năng hoạt động chung và tạo môi trường tích cực thúc đẩy hợp tác cho lực lượng quốc phòng các nước ASEAN và các nước "Cộng" (trong ADMM+).
Cho rằng ASEAN vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực, thách thức về an ninh biển, bao gồm vấn đề Biển Đông, sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống, dịch bệnh…, Trưởng đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc bùng phát và lan rộng nhanh chóng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã đặt ra thách thức chung của cả khu vực, thế giới, không chỉ riêng ASEAN.
Bên cạnh những lo lắng có cơ sở về tính nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, việc phát tán những thông tin chưa qua kiểm chứng xung quanh dịch bệnh này trên mạng xã hội đã gây ra những hiệu ứng tiêu cực cũng như gây ra sự hoang mang trong người dân. Thông tin giả mạo trên mạng xã hội cũng đã trở thành một thách thức mà chúng ta phải chung tay ứng phó.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 nhằm đảm bảo an ninh y tế cho Hội nghị cũng như các hoạt động tiếp theo trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Đồng thời, với vai trò Chủ tịch Ban Giám đốc của Trung tâm Quân y ASEAN trong năm 2020, Việt Nam đề xuất với các nước thành viên tổ chức diễn tập xử lý tình huống ứng phó với dịch bệnh lan truyền ngay trong năm 2020; khuyến khích Brunei và Australia với tư cách là hai nước đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Quân y chu kỳ 2020-2023 đưa nội dung ứng phó với dịch bệnh lan truyền vào diễn tập thực binh trong Kế hoạch hoạt động 3 năm của Nhóm chuyên gia. Việt Nam cũng đề nghị các nước "Cộng" tăng cường hơn nữa hợp tác nhằm nâng cao năng lực ứng phó của quân y cho các nước ASEAN, đặc biệt đối với việc bảo đảm quân y trong ứng phó với dịch bệnh.
Theo Trưởng đoàn Việt Nam, để đối phó với các thách thức trên, ASEAN cần tiếp tục tăng cường sự gắn kết nội khối nhằm tạo sự đồng thuận, sức mạnh tập thể để ứng phó linh hoạt và chủ động với những tác động từ bên ngoài.