Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã chủ trì cuộc họp trên trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC).
Cuộc họp có sự tham gia của các đại biểu đại diện 15 cơ quan chuyên ngành được phân công chủ trì triển khai các sáng kiến MPAC 2025 như các quan chức cấp cao ASEAN về giao thông (STOM), kinh tế (SEOM), giáo dục (SOM-ED), lao động (SLOM)…, nhóm cơ quan đầu mối về cơ sở hạ tầng bền vững (LIB-SI), cũng như các thành viên của ACCC. Với tính chất liên ngành, liên trụ cột của các dự án kết nối, cơ chế MRE tạo sự gắn kết hơn giữa các cơ quan triển khai, tăng cường nhận thức về chia sẻ trách nhiệm trong triển khai các sáng kiến và dự án MPAC 2025, và để thảo luận và tìm giải pháp đối với các thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai MPAC 2025.
Cuộc họp đã kiểm điểm và đánh giá cao tiến độ triển khai toàn bộ 15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của MPAC 2025 gồm Cơ sở hạ tầng bền vững, Đổi mới số, Kho vận liên thông, Tối ưu hóa hoạch định, Dịch chuyển người dân. Đáng chú ý, trong lĩnh vực chiến lược Cơ sở hạ tầng bền vững, các dự án trong Danh sách các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng của ASEAN tiếp tục được thúc đẩy thông qua các chương trình xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. Dự án “Phát triển Cơ sở dữ liệu mở ASEAN” trong lĩnh vực chiến lược “Đổi mới số” dự kiến chuyển sang giai đoạn triển khai trong tháng 9 này. Dự án “Phát triển cơ sở dữ liệu ASEAN về các tuyến thương mại và khuôn khổ nhằm tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng” trong lĩnh vực chiến lược “Kho vận liên thông” đã hoàn tất giai đoạn 1 vào tháng 7 vừa qua, và dự kiến kết thúc vào cuối năm nay. Dự án “Tăng cường nền tảng số du lịch ASEAN” trong lĩnh vực chiến lược “Dịch chuyển người dân” dự kiến chuyển sang giai đoạn triển khai trong năm nay. Cuộc họp cũng đặc biệt nhấn mạnh cần tăng cường công tác phối hợp, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan chuyên ngành ASEAN trong quá trình triển khai MPAC 2025.
Cuộc họp tập trung thảo luận và góp ý cho 2 dự thảo Báo cáo Đánh giá tiến độ MPAC 2025 lần thứ hai và Báo cáo Kiểm điểm giữa kỳ MPAC 2025 để tiếp tục hoàn thiện và trình lên Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) xem xét và thông qua trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 tới. Đây là những tài liệu quan trọng để ASEAN đưa ra phương hướng triển khai hợp tác phù hợp trong nửa sau của MPAC 2025, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
MPAC là kế hoạch chiến lược được Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua tháng 10/2010 tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy kết nối nội khối của ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các đối tác, hướng tới một cộng đồng ASEAN được kết nối thông suốt, không rào cản. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào tháng 9/2016, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua MPAC 2025 với tầm nhìn tạo ra một ASEAN kết nối và liên kết toàn diện, thông suốt.
ACCC được thành lập nhằm theo dõi, đánh giá và định kỳ báo cáo ACC, Hội nghị Cấp cao ASEAN về tình hình và thách thức trong việc triển khai MPAC 2025. Các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN tại Jakarta đồng thời là thành viên đại diện tham gia ACCC. Cuộc họp Tham vấn của ACCC với các Đối tác Đối thoại và các Đối tác khác là cơ chế họp được tổ chức thường niên từ năm 2017, nhằm nâng cao nhận thức về MPAC 2025, thu hút nguồn lực từ các đối tác để triển khai các dự án trong khuôn khổ MPAC 2025.