ASEAN đoàn kết, tăng cường tương trợ lẫn nhau

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào ngày 26/6/2020 tại Hà Nội bằng hình thức trực tuyến. Đây là Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 ngày14/4/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo thông lệ, Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm sẽ là Hội nghị nội bộ của các Lãnh đạo ASEAN rà soát công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35, cho ý kiến chỉ đạo về hướng triển khai các trọng tâm ưu tiên của năm, hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN trong thời gian tới và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, một trọng tâm được các Nhà lãnh đạo tập trung trao đổi sẽ là hợp tác ứng phó dịch bệnh và tăng cường khả năng phục hồi.

Đoàn kết đồng lòng phòng chống và kiểm soát dịch bệnh

Trong bài viết “Hợp tác ASEAN đẩy lùi COVID-19: Đoàn kết là sức mạnh!”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy, đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của COVID-19 cho thấy chủ đề và phương châm đó thật đúng lúc và đích đáng hơn bao giờ hết.”

Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh, cơ quan y tế các nước ASEAN và các nước ASEAN+3 đã trao đổi, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Tiếp đó, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN và trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, Việt Nam đã chủ động, thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh. Sau khi  tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14/2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cấp cao, các cấp ngành trong Cộng đồng ASEAN như các Bộ trưởng Quốc phòng, Kinh tế, du lịch đều ra Tuyên bố, thống nhất đề ra các hành động chung trong lĩnh vực của mình để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Trong quá trình này, Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) luôn đóng vai trò trung tâm, điều phối các hoạt động hợp tác trong Cộng đồng và trong hợp tác với các đối tác, tạo nên mạng lưới rộng khắp, trong cả khu vực về phòng chống, giảm thiểu tác động của COVID-19. Kể từ tháng 2/2020 đến nay, Hội đồng Điều phối ASEAN đã nhiều lần nhóm họp để ra các quyết định khác nhau. Đồng thời các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã tổ chức họp với các đối tác, vừa tranh thủ thêm kinh nghiệm vừa để phối hợp trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Trên cơ sở khuyến nghị của Nhóm công tác liên ngành, tại Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, các nước ASEAN đã ủng hộ một số đề xuất của Việt Nam nhằm đẩy mạnh nỗ lực chung của ASEAN trong ứng phó dịch bệnh COVID-19 như: hình thành kho dự phòng của khu vực về trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh, trên cơ sở các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức diễn tập trực tuyến của Trung tâm Quân y ASEAN về ứng phó dịch bệnh… Các nước ASEAN nhấn mạnh sẽ tăng cường đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ các nỗ lực và nâng cao khả năng tự cường, thích ứng hiệu quả trước các thách thức của dịch bệnh, giữ vững đà hợp tác ASEAN vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc dẫn dắt và thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng chung, đặc biệt trong thời điểm khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Theo ông, Việt Nam đang làm rất tốt việc nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là trong đối ngoại với các đối tác và các tổ chức quốc tế.

Phối hợp chính sách luôn được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong hợp tác kiểm soát dịch bệnh. Các nước trong ASEAN đã thường xuyên chia sẻ các quyết định về chính sách; xem xét và điều chỉnh chính sách của mình theo hướng phù hợp với các đặc thù khu vực, đòi hỏi của tình hình thực tiễn của từng nước. Việc làm này đã tạo ra nền tảng chính sách hài hòa và tương đối đồng bộ giữa các nước trong phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã kích hoạt các cơ chế thông tin trong khu vực về y tế, về ứng phó với các trường hợp khẩn cấp… Cụ thể, trong đó có Mạng lưới trung tâm hoạt động khẩn cấp ASEAN về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng…

Ngay từ đầu dịch bệnh, Việt Nam đã tích cực, chủ động dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các Đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan và giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Đánh giá vai trò của của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc thúc đẩy các nỗ lực chung chống dịch bệnh, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng, Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID-19.

Theo Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, chủ đề “Xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam rất phù hợp với tình hình mà khu vực đang trải qua. Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi khẳng định: "Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức từ đại dịch COVID-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau trong tình đoàn kết và sự kiên cường".

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp 31/3/2020 để thống nhất khuyến nghị các bước triển khai phối hợp và hành động tiếp theo.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng và các cuộc họp không thể diễn ra theo phương cách truyền thống, Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức họp theo hình thức trực tuyến. Đây là một giải pháp linh hoạt và phù hợp, góp phần giúp ASEAN phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch COVID-19.

Tiến sĩ Robin Ramcharan, giảng viên Đại học Webster Thái Lan, Giám đốc điều hành Trung tâm châu Á có trụ sở tại Bangkok nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã khéo léo dẫn dắt ASEAN trong cuộc khủng hoảng COVID-19, bao gồm đưa ra quyết định đầy trách nhiệm đối với việc chuyển Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sang tháng 6/2020. Việt Nam cũng đã tham gia vào việc xử lý khủng hoảng thông qua tất cả các kênh đối thoại hiện có, đồng thời đã huy động được một sự phản ứng mang tính gắn kết của ASEAN thông qua Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Phản ứng tập thể của ASEAN đối với đại dịch COVID-19.

Nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra vào ngày 26/6, có sự tham dự của Lãnh đạo 10 nước ASEAN, Bộ trưởng phụ trách các trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh, Văn hóa-Xã hội và Kinh tế của các nước ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Trưởng Quan chức cao cấp ASEAN tại 3 trụ cột (Chính trị-An ninh, Văn hóa-Xã hội và Kinh tế), các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN, đại diện Ngoại giao đoàn tại Hà Nội.

Chương trình nghị sự gồm có: Phiên toàn thể và các phiên đối thoại. Trong đó có Phiên họp đặc biệt về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số, là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng Cộng đồng, phát triển kinh tế-xã hội trong ASEAN. Hoạt động này cũng nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ.

Khách mời của phiên họp này là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jack Hoi, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Giám đốc điều hành Ủy Ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương  của Liên hợp quốc Armida Alisjahbana, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục các nỗ lực chung, đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới vì các nhà lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên thảo luận chính thức về việc trao quyền cho phụ nữ. Các khách mời nữ của khu vực, thế giới và Việt Nam được mời phát biểu, đánh giá về tình hình phụ nữ trong ASEAN hiện nay có vấn đề gì không để đưa ra các đề xuất, giải pháp, ý tưởng thúc đẩy bình đẳng giới. Đây cũng là dịp để rà soát các cơ chế pháp lý, các quy định pháp luật ASEAN chưa đảm bảo quyền phụ nữ. Các nước sẽ trao đổi các kinh nghiệm mô hình, các cách làm tốt để Việt Nam học hỏi trong thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.

Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), các nhà lãnh đạo ASEAN và Đại diện AIPA sẽ trao đổi để tăng cường sự phối hợp giữa hai tổ chức trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, vì người dân.

 Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Thanh niên ASEAN,  lãnh đạo các nước ASEAN sẽ đối thoại với đại diện Thanh niên ASEAN, được các nước thành viên ASEAN đề cử, về thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong xây dựng Cộng đồng. Các đại diện thanh niên sẽ đệ trình Tuyên bố về thanh niên cho Lãnh đạo các nước ASEAN tại cuộc Đối thoại.

Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC), dự kiến đại diện ABAC sẽ trình Lãnh đạo ASEAN các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh tự do và thuận lợi hóa thương mại-đầu tư trong khu vực và quốc tế.

Về văn kiện của Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch về kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Tuyên bố Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay…

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là dịp để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi, thảo luận các biện pháp xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường tương trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hợp tác, tập trung triển khai các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020, nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay trong đó có dịch COVID-19. 

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Học giả Indonesia kỳ vọng vào kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN-36
Học giả Indonesia kỳ vọng vào kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN-36

Học giả Indonesia cho rằng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 được tổ chức vào ngày 26/6 tới là sự kiện quan trọng, có nhiều ý nghĩa đối với ASEAN trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục hoành hành và an ninh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN