Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết (ngày 21/7/1954) đã lấy Vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải (giáp ranh hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời. Thế nhưng, đế quốc Mỹ bội ước khiến sông Bến Hải trở thành nơi chia cắt hai giới tuyến, là biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng suốt hơn 20 năm. Bảy thập niên qua, nơi này vẫn là hiện thân của khát vọng hòa bình và thống nhất non sông.
Trân trọng, gìn giữ giá trị hòa bình
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đế quốc Mỹ đã dựng nên chính quyền tay sai ở miền Nam, ngang nhiên bội ước, rắp tâm xâm lược nước ta, biến miền Nam thành bàn đạp để tấn công miền Bắc. Vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương - sông Bến Hải trở thành biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước suốt 21 năm (1954 - 1975). Suốt những năm tháng đất nước bị chia cắt, quân dân hai miền Nam - Bắc đã không quản ngại hy sinh gian khổ, đoàn kết và cùng chung ý chí “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Bờ Bắc sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh ngày nay, nơi một thời được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mến phục ngợi khen là “Vĩnh Linh lũy thép”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 1/1/1967. Quân và dân Vĩnh Linh vinh dự 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen. Ở Vĩnh Linh, 100% xã, thị trấn đều là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những con số “biết nói” này đã chứng minh sự mến phục ngợi khen “Vĩnh Linh lũy thép” là hoàn toàn xác đáng.
Bờ Nam sông Bến Hải thuộc huyện Gio Linh ngày nay. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi này được xem là “vành đai trắng”, bởi Mỹ - Ngụy ngày đêm dùng bom đạn hòng hủy diệt mọi sự sống. Nữ du kích bắn tỉa Hoàng Thị Chẩm tên thường gọi là O Chẩm (thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) chiến đấu ở bờ Nam sông Bến Hải những năm 1967 - 1972, nay đã gần 80 tuổi. O Chẩm chia sẻ, những năm tháng đất nước bị chia cắt ở Vĩ tuyến 17, quân và dân Vĩnh Linh ngày đêm kiên cường giữ cho lá Quốc kỳ tung bay bên bờ Bắc cầu Hiền Lương - sông Bến Hải (nay là Cột cờ Giới tuyến thuộc Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải). Lá cờ Tổ quốc nơi đây ngày đêm kiêu hãnh tung bay là biểu tượng của niềm tin và ý chí, tiếp thêm sức mạnh cho quân, dân ở bờ Nam sông Bến Hải chiến đấu vì hòa bình, thống nhất non sông.
Quảng Trị được gọi vùng “đất lửa” bởi mỗi tấc đất, dòng sông, mỗi địa danh ở địa phương này đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom, với khát vọng sống, khát vọng hòa bình của dân tộc. Những địa danh gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc gồm hệ thống các di tích quốc gia đặc biệt: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, đường Hồ Chí Minh, địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 cùng những địa danh: Đường 9 - Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo - sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri, căn cứ Dốc Miếu đã và đang được bảo tồn để phát huy giá trị.
Đạo lý trân trọng quá khứ và tri ân người có công: “Ơn liệt sỹ ngàn năm ghi tạc/Nghĩa anh hùng muôn thuở lưu danh” luôn được Đảng bộ, chính quyền và người dân Quảng Trị ghi nhớ. Quảng Trị đã và đang thay mặt cả nước, ngày ngày chăm sóc chu đáo gần 60.000 phần mộ ở 72 nghĩa trang liệt sỹ; trong đó, có Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 để thân nhân liệt sỹ khắp cả nước được an lòng.
Vùng đất “lửa” Quảng Trị chính là nơi thử thách và tôi luyện những phẩm chất kiên cường, quả cảm bất khuất của con người Việt Nam, nơi cảm nhận, thấu hiểu sâu sắc nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt, nơi chứng kiến khát vọng sống, khát vọng hòa bình bất diệt của một dân tộc đã làm lay động mạnh mẽ lương tri của nhân loại. Đó cũng là thông điệp Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức vào tháng 7 này.
Không gian chính của lễ hội diễn ra tại Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ: Lễ hội Vì Hòa bình giới thiệu những sắc màu văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của Quảng Trị và Việt Nam. Đến với lễ hội, du khách cảm nhận hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột chiến tranh mà còn là sự tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc, là tình yêu giữa con người với con người, giữa cá nhân, cộng đồng và giữa các cộng đồng. Hòa bình còn là khúc hoan ca, niềm hạnh phúc, những điều hết sức bình dị trong cuộc sống cần được nâng niu, trân trọng và gìn giữ.
Đưa Quảng Trị thành tỉnh khá của cả nước
Ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, Quảng Trị phải “gánh trên mình” hậu quả nặng nề với 95% làng mạc bị tàn phá hủy diệt; trên 80% tổng diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn. Sau giải phóng và nhất là 35 năm Quảng Trị tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên (1/7/1989 - 1/7/2024), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân hằng năm đạt 7,5%/năm. So với năm 1989, thu nhập bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng, tăng hơn 12 lần, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 30 vạn tấn/năm, tăng 3 lần. Từ “trắng” về công nghiệp sau giải phóng, đến nay, tỉnh đã có Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và các khu công nghiệp: Quán Ngang, Nam Đông Hà, Tây Bắc Hồ Xá, Khu công nghiệp Quảng Trị cùng hàng chục cụm công nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết: Quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là tỉnh công nghiệp, dịch vụ. Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp, dịch vụ.
Trong công nghiệp, tỉnh xác định thu hút đầu tư vào năng lượng sạch gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí là khâu đột phá. Tỉnh tập trung phát triển điện gió ở vùng miền núi phía Tây, nơi có điều kiện thuận lợi khi tốc độ gió trung bình đạt 7m/s. Quảng Trị đã có 20 nhà máy điện gió với tổng công suất trên 700MW đi vào vận hành.
Tỉnh đề xuất Trung ương đưa vào quy hoạch thêm 3.000MW điện gió. Tỉnh thu hút đầu tư điện mặt trời ở vùng cát nội đồng ven biển. Tỉnh đã có 3 dự án điện mặt trời đi vào vận hành trên vùng cát nội đồng ở các xã Gio Thành, Gio Hải thuộc huyện Gio Linh với tổng công suất gần 150MW. Trung tâm điện khí hóa lỏng (LNG) được tỉnh quy hoạch xây dựng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Tại đây, Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đang được xây dựng phục vụ các dự án điện khí. Khu kinh tế này là nơi gần nhất để tiếp bờ hai mỏ khí lớn ngoài khơi gồm Kèn Bầu và Báo Vàng.
Đối với dịch vụ, trọng tâm là phát triển logistics do Quảng Trị có lợi thế nằm ở điểm đầu về phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tiếp giáp nước bạn Lào và các nước khác trong khu vực.
Theo đó, tỉnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông với các dự án trọng điểm về đường bộ, đường bộ cao tốc, đường hàng không và cảng biển nước sâu để phát triển vận tải và logistics. Đối với đường bộ, tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thiện Quốc lộ 15D, kết nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy. Đây là tuyến giao thông theo trục Đông - Tây có vai trò quan trọng kết nối giữa khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào và Đông Thái Lan. Dự án cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo dài 56 km, tổng mức đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng đang thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư. Cảng Hàng không Quảng Trị đã khởi công ngày 6/7 có quy mô trên 265ha, tổng mức đầu tư hai giai đoạn trên 5.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng thi công. Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy triển khai thi công từ tháng 3/2024 có tổng mức đầu tư trên 14.200 tỷ đồng, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành hai bến cảng vào cuối năm 2025, các bến cảng còn lại tiếp tục được đầu tư từ sau năm 2025.
Ngoài ra, tỉnh đang làm Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) - Densavan (Savannakhet, Lào). Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung này nằm ở cửa ngõ của EWEC, giao thương kết nối với Bắc - Nam và kết nối với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.